Không chỉ phải cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia…, giờ đây, Việt Nam còn phải cạnh tranh với chính các nước “xuất khẩu” đầu tư. Áp lực cạnh tranh vì thế càng nặng nề hơn.

Trong Báo cáo thường niên FDI 2022, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố có nội dung, đó là Chính phủ các nước phát triển đang có xu hướng hạn chế FDI ra ngoài để tập trung nguồn lực ứng phó với tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng số người thất nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia đối với công nghệ nguồn.

Ảnh internet
Cạnh tranh thu hút FDI hậu Covid-19 cam go, quyết liệt như thế nào? Ảnh internet.

GS.TSKH. Nguyễn Mại thông tin, các nước EU đang thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Đức, Italia quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng. Pháp triển khai chiến lược ‘sản xuất tại Pháp’ nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành có giá trị gia tăng cao, như ô tô, hàng không, công nghệ số. Nhật Bản, Hàn Quốc - hai đối tác đầu tư lớn của Việt Nam - cũng đang áp dụng nhiều biện pháp quan trọng. Nhật Bản dành 2 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên. Hàn Quốc cũng ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất - kinh doanh trong nước…

Khi “miếng bánh” nhỏ lại, cạnh tranh hẳn nhiên ngày càng gay gắt hơn. Nhất là khi, bên cạnh Trung Quốc, thì Ấn Độ, Indonesia đang nổi lên là “đối thủ” đáng gờm trong thu hút FDI của Việt Nam, GS.TSKH. Nguyễn Mại phân tích.

“Như vậy là, dường như chúng ta đang đặt ra cả vấn đề cạnh tranh với các nước xuất khẩu đầu tư”, ông Đặng Xuân Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người có nhiều năm làm Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đã nói như vậy.

Có thể, sẽ hơi quá khi nói rằng, đây chính là những “đối thủ nặng ký” mới, nhưng rõ ràng, đó là một thực tế mà Việt Nam phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu, trước mắt là trong năm 2023, được Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo tiếp tục suy giảm.

Như vậy, cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt hơn, và các “đối thủ” của Việt Nam đều đã đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể Indonesia năm 2022 đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn FDI, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái. Nên nhớ, đây là số vốn giải ngân, chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Indonesia năm 2022.

Còn Trung Quốc, mặc dù đóng cửa nền kinh tế vì Covid-19, nhưng vẫn thu hút được ngân khoản khổng lồ, lên tới 1.200 tỷ nhân dân tệ, tăng 6,3% so với năm 2021. Ấn Độ, trong tài khóa 2021 - 2022 cũng đã thu hút được 83,6 tỷ USD vốn FDI...

Việt Nam cũng đạt được con số tích cực trong năm 2022, đó là thu hút được 27,7 tỷ USD vốn đăng ký, 22,39 tỷ USD vốn giải ngân. Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng chậm lại.

Ảnh minh họa internet
Cạnh tranh thu hút FDI hậu Covid-19 cam go, quyết liệt như thế nào? Ảnh minh họa internet.

Nhận định của HSBC, Báo cáo thường niên FDI 2022 thể hiện, Việt Nam là “một ngôi sao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép, điện tử tiêu dùng” và cũng đã tiến lên trong chuỗi cung ứng sản phẩm, trở thành trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử trong hai thập niên gần đây. Nhưng, khi mà cuộc đua thu hút FDI ngày một căng thẳng hơn, không chỉ đến từ các đối thủ truyền thống, mà còn cả các “đối thủ nặng ký” mới, Việt Nam buộc phải hành động quyết liệt hơn.

GS.TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, để cạnh tranh thu hút FDI, hàng loạt vấn đề Việt Nam phải cải cách, như vấn đề về tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công…Chưa kể, trọng tâm chính sách cũng phải điều chỉnh. Nếu muốn thu hút nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tương lai, thì theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, cần đề ra các quy định mới về chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, phương thức tiếp cận nhà đầu tư để thích ứng với yêu cầu của từng đối tác và từng dự án….

“Chính sách ưu đãi đầu tư cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với định hướng thu hút FDI mới và cuộc cạnh tranh trong khu vực… Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu - một vấn đề cấp bách hiện nay, để ứng phó có hiệu quả, vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa tạo môi trường pháp lý hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế”, GS.TSKH. Nguyễn Mại khuyến nghị

Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành EuroCham đề cập đến 3 điểm gây cản trở dòng vốn đầu tư từ Châu Âu vào Việt Nam. Đó là thiếu rõ ràng trong các quy định, thủ tục hành chính, và visa cho người nước ngoài. “Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính, sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn”, bà Delphine Rousselet nói.

Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội cho rằng, cần tháo gỡ các vấn đề về lãi suất vay vốn đối với đầu tư cho tăng trưởng xanh, để các nguồn lực tỷ USD từ Mỹ có thể đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistics, kết cấu hạ tầng ở Việt Nam. Hiện nay, theo ông John Rockhold, lãi suất lên tới 2 con số là “không thuận lợi” cho các nhà đầu tư. 

Thạch Thảo (t/h)