Từ Chương trình MTQG 1719 đến sự thay đổi toàn diện

Là tỉnh miền núi phía Bắc với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số,trong những năm qua, Lào Cai luôn là một trong những tỉnh được Nhà nước đặc biệt quan tâm trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển. Trong đó, Chương trình MTQG 1719 đã được triển khai với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tỉnh Lào Cai, nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719, đã chủ động triển khai với phương châm linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1719/QĐ-TTg, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng các kế hoạch chi tiết, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Cùng với đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở đã tạo ra sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Đặc biệt trong năm 2024, Lào Cai đã bước vào giai đoạn “tăng tốc” để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 – 2025. Đây là một năm quan trọng để đánh giá hiệu quả tổng thể của chương trình trong suốt quá trình thực hiện. Với vai trò chỉ đạo toàn diện, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan và các địa phương, đồng thời ban hành các Nghị quyết, Quyết định và Kế hoạch thực hiện cụ thể.

Công tác chỉ đạo được thực hiện một cách linh hoạt và có trọng tâm. Để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu của năm 2024, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, cơ chế, chính sách, chỉ đạo tổ chức triển khai, giám sát. Công tác triển khai và hoàn thiện các thủ tục hành chính cũng được đẩy nhanh, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Điều này đã giúp các dự án thành phần trong khuôn khổ Chương trình MTQG 1719 có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của chương trình chính là việc tổ chức thực hiện và quản lý tài chính. Tỉnh Lào Cai đã triển khai công tác lập và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công một cách kịp thời, bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được cấp.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ hơn 395 tỷ đồng (đạt 97% kế hoạch) trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong đó, vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đều đạt kết quả tốt. Cụ thể, vốn đầu tư đã được giải ngân đầy đủ (100%), trong khi vốn sự nghiệp đã đạt gần 97%. Tổng nguồn lực huy động cho chương trình trong năm 2024 là gần 1.885 tỷ đồng, trong đó hơn 1.117 tỷ đồng đã được phân bổ và giải ngân, đạt gần 99,3% kế hoạch.

Công tác giải ngân được thực hiện theo kế hoạch với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh xuống đến cơ sở, bảo đảm đúng tiến độ và không để tình trạng chậm trễ hoặc thất thoát. Các địa phương như Mường Khương, Bắc Hà đã triển khai rà soát và điều chỉnh kế hoạch ngân sách, góp phần bảo đảm nguồn lực thực hiện chương trình.

Cụ thể, UBND huyện Mường Khương được giao 78.242 triệu đồng, sau điều chỉ là 61.998 triệu đồng, giảm 16.244 triệu đồng so với kế hoạch UBND tỉnh phân bổ. UBND huyện Bắc Hà thực hiện với kinh phí sau điều chỉnh là 80.869 triệu đồng. Như vậy, tổng khi phí thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024 là 880.328 triệu đồng, giảm 16.244 triệu đồng so với kế hoạch TW giao.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ khi triển khai Chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,7%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,8%; tỷ lệ phụ nữ sih con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y đạt 91%; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,1%...

Chương trình MTQG 1719 được thực hiện linh hoạt, chủ động, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc
Chương trình MTQG 1719 được thực hiện linh hoạt, chủ động, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc

Nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình cũng được tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng. Các cơ quan, đơn vị đã triển khai tổ chức hơn 1.229 hội nghị, hội thi, hội thảo tại các xã, thôn, bản, thu hút hơn 139.000 lượt người tham gia. Các hoạt động này không chỉ cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật liên quan đến chương trình, mà còn giúp nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, về các quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các mục tiêu chương trình.

Những khó khăn và thách thức trong triển khai

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, quá trình thực hiện chương trình tại Lào Cai vẫn gặp phải không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất là tình trạng chậm tiến độ giải ngân, đặc biệt là đối với các dự án, tiểu dự án thành phần. Tính đến hết tháng 9/2024, tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt khoảng 8% kế hoạch năm 2024, một con số còn khá thấp so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số dự án gặp phải vướng mắc về thủ tục, và một phần do ảnh hưởng của thiên tai.

Cơn bão số 3 năm 2024, với mưa lớn kéo dài và lũ lụt nghiêm trọng đã gây thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn hoặc tạm dừng nhiều dự án. Hạ tầng giao thông, hệ thống điện và các công trình cơ sở vật chất khác bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ triển khai chương trình. Trước tình hình này, tỉnh Lào Cai đã đề xuất Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đến năm 2025, đồng thời điều chỉnh các mục tiêu của chương trình để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước những khó khăn, tỉnh Lào Cai đã chủ động tìm kiếm giải pháp linh hoạt, kịp thời điều chỉnh các kế hoạch và chiến lược triển khai chương trình. Để tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là đối với các vùng bị thiệt hại do thiên tai, bảo đảm việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 sẽ được tiếp tục một cách hiệu quả và bền vững.

Các địa phương, đặc biệt là các huyện bị ảnh hưởng nặng nề, được yêu cầu chủ động điều chỉnh, giảm các mục tiêu không khả thi, tập trung vào các hoạt động khắc phục thiệt hại. Đồng thời, việc tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng và cộng đồng cũng sẽ là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình trong thời gian tới.

Mặc dù gặp phải nhiều thử thách, nhưng Chương trình MTQG 1719 đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn tại Lào Cai. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, đã được cải thiện rõ rệt. Các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các mô hình kinh tế khác đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Chương trình đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các khu vực miền núi. Nhờ vào sự lãnh đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Lào Cai đang dần thay đổi diện mạo và phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nguyễn Mạnh