Trong đó 31% số chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam cho biết thu nhập của họ tăng từ 25% trở lên mỗi năm. Việt Nam đứng đầu trên thế giới với gần ba phần tư (72%) nói rằng việc chuyển đến Việt Nam giúp họ tiết kiệm được nhiều hơn, trong khi 72% cũng đồng ý rằng họ có thu nhập khả dụng nhiều hơn so với khi làm việc ở quê nhà. Tuy nhiên, khi nhắc đến quyền sở hữu tài sản, chỉ 26% chuyên gia nước ngoài cho biết họ có sở hữu tài sản tại Việt Nam, trong khi mức trung bình toàn cầu là 36%.
(Ảnh minh họa)
Ngoài mức thu nhập cao, các chuyên gia cũng được hưởng các lợi ích vật chất khác khi làm việc tại nước ngoài. Hơn một nửa (55%) chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn; nhiều người có nơi ở tiện nghi hơn (41%), có người giúp việc (39%) và chi tiêu nhiều hơn cho chuyện học hành của con cái (16%).
Tại sao người nước ngoài chuyển đến Việt Nam? Ba lý do hàng đầu được liệt kê bao gồm tìm kiếm thử thách mới (26%), thăng tiến nghề nghiệp (26%) và cải thiện chất lượng cuộc sống (24%). Với tất cả những nguyện vọng này, gần một nửa (47%) chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến thích hợp để phát triển nghề nghiệp.
Khảo sát của HSBC cũng cho thấy, 54% người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động như trợ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe (73%), trợ cấp thăm nhà hoặc vé máy bay (57%), và trợ cấp chỗ ở (42%), cao hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu tương ứng 43%, 17% và 18%.
Ngoài ra, mặc dù thu nhập trung bình cho một người nước ngoài tại Việt Nam chỉ khoảng 90.000 USD, ít chuyên gia nước ngoài tại đây lo ngại về vấn đề tài chính so với các chuyên gia trên toàn cầu nhờ một phần chi phí sinh hoạt hợp lý và các khoản trợ cấp tốt.
Cũng theo khảo sát, 66% chuyên gia nước ngoài nói rằng họ cảm thấy rất tự tin về nền kinh tế Việt Nam. Liên quan đến an sinh tài chính của họ, những vấn đề mà họ quan ngại nhất là: những quy định về hạn chế dịch chuyển tài chính xuyên quốc gia (37%); bất ổn kinh tế toàn cầu (24%) và tỷ giá hối đoái ít thuận lợi hơn (22%), mức độ đảm bảo về công việc ít hơn cho các chuyên gia nước ngoài và đối tác của họ (22%) ở Việt Nam.
Báo cáo Expat Explorer khảo sát 22.318 chuyên gia nước ngoài tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua bảng câu hỏi trực tuyến trong tháng 3, 4/2018.
Hằng Vương (t/h)