Thực tế, chi phí phân bón luôn chiếm tỷ trọng lớn, tới gần nửa giá vật tư đầu vào, trong trồng trọt, canh tác của bà con nông dân. Nguồn cung phân bón ổn định về giá cả và bảo đảm chất lượng là điều kiện hàng đầu để canh tác hiệu quả và bảo đảm chất lượng nông sản, bảo vệ đất đai canh tác.
Hiện nay, cả nước có 180 doanh nghiệp (DN) sản xuất PBHC, chiếm 24,5% trên tổng số 735 DN sản xuất phân bón đã được Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương cấp phép và có tổng công suất khoảng 2,5 triệu tấn/năm, bằng 8,5% tổng công suất ngành phân bón trong nước và gần bằng 1/10 tổng công suất phân bón vô cơ. Tính đến tháng 12-2017, lượng PBHC sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước chỉ bằng 1/19 lần so với vô cơ (713 sản phẩm PBHC so với 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ). Việt Nam đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất. Trong tương lai, Việt Nam cần hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Phân bón hữu cơ đang và sẽ ngày càng cần được khuyến khích sử dụng trong nông nghiệp.
Việt Nam có thể sản xuất PBHC chất lượng cao, được các trang trại sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP) chấp nhận. Nhưng số sản phẩm PBHC sinh học và vi sinh sản xuất trong nước được chứng nhận quốc tế hiện rất ít.
Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm chất lượng và không ổn định giá cũng đang gây khó cho nông dân như hoạt động sản xuất phân bón giả kể cả vô cơ và hữu cơ là việc lợi dụng các nhãn của nước ngoài và các hãng có uy tín để các đối tượng lợi dụng vào đó để sản xuất phân kém chất lượng và phân giả gây lên hậu quả rất lớn với người tiêu dùng.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Do vậy, nhằm bảo đảm thị trường phân bón phát triển lành mạnh, cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực phân bón Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và có cơ chế phối hợp giữa Trung ương với địa phương về việc cấp giấy phép và phân vùng quy hoạch môi trường, các điều kiện sản xuất trước khi cấp giấy phép sản xuất phân bón; rà soát, chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức đã để xảy ra sai phạm trong việc khảo nghiệm, kiểm nghiệm đánh giá sự phù hợp, chứng nhận hợp quy, cấp phép các sản phẩm hàng hóa để xử lý được chính xác.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm chế tài rút Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đình chỉ hoạt động hoặc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và không được phép lưu hành.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các loại phân bón có giá trị cao, người tiêu dùng sử dụng nhiều, các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nổi cộm; rà soát, chấn chỉnh, xác định, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tổ chức để xảy ra những sai phạm phức tạp, kéo dài.
Như vậy chúng ta phải triển khai tốt các quy định từ khi cấp phép vào hoạt động, rồi các điều kiện bảo đảm cho việc thành lập một cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải tăng cường kiểm tra về vấn đề kiểm tra thị trường và sản xuất, cũng như kiểm tra ngay từ khi người dân sử dụng. Tuyên truyền để cho bà con cũng như các cơ quan chức năng nhận thức được. Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thì cần có cảnh báo tích cực sẽ khiến doanh nghiệp phải hạn chế hành vi làm giả.
Theo BCĐ389