Theo ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, vào thời điểm này, mỗi ngày có khoảng hàng trăm người bệnh phải nhập viện do cảm cúm. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A và trung bình mỗi ngày có khoảng 100 - 120 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi... nghi ngờ mắc cúm.

Còn tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trong vài tuần gần đây, thời tiết giao mùa, chuyển lạnh cũng làm gia tăng từ 15 - 20% số trẻ mắc bệnh về hô hấp, trong đó nhiều bệnh nhi mắc cúm mùa bị biến chứng. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ngày cao điểm nhất, khoa nhi tiếp nhận tới 200 bệnh nhân, trong đó có khoảng 100 ca là nhập viện. Trong đó, các ca bệnh về đường hô hấp gặp nhiều nhất.

Thuốc Tamiflu 75mgThuốc Tamiflu 75mg

Điều đáng nói, đang trong mùa dịch cúm thì thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh cúm là Tamiflu lại bất ngờ lên giá. Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên tại một số nhà thuốc trên địa bàn thành phố Hà Nội thì thuốc Tamiflu được đẩy lên khá cao từ 170.000- 185.000 đồng /viên (cao hơn 100.000 đồng/viên so với trước). Một số nhà thuốc thậm chí còn hết cả loại thuốc này.

Trước tình hình khan hiếm loại thuốc này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược thông báo tình hình thuốc Tamiflu trong kho thuốc đang hết dần để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc điều trị cúm (chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có công văn khẩn gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc về việc cung ứng thuốc điều trị bệnh cúm.

Công văn nêu rõ, để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời thuốc phục vụ phòng và điều trị bệnh, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá thuốc.

Các cơ sở nhập khẩu thuốc chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp thuốc chưa oseltamivir có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, cung ứng đủ thuốc ngay khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Trường hợp cơ sở nhập khẩu liên hệ được nguồn cung thuốc chứa oseltamivir chưa có giấy đăng lý lưu hành tại Việt Nam nhưng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở nhập khẩu cần khẩn trương lập hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, giải quyết theo quy trình thẩm định nhanh để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Các bệnh viện, viện có giường trực thuộc Bộ chủ động liên hệ với các cơ sở kinh doanh, nhập khẩu thuốc để chủ động lập dự trù, thực hiện việc mua sắm, đảm bảo đủ thuốc, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.

Ngoài ra, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có công văn gửi Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 khẩn trương thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu thuốc Tamiflu 75mg phục vụ nhu cầu điều trị của nhân dân.

PV