Bài 1: Cuộc chiến chống hàng giả hàng nhái: Những ‘lỗ hổng’ cần được… bịt kín
Bài 2: Khi bộ máy chưa vận hành hết công suất?
LTS: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Thương hiệu và Công luận đăng tải loạt bài viết này với mục đích tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… của các cơ quan chức năng tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, buôn bán đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; lên án hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế phát sinh những hệ lụy do hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả gây ra cho người dân và xã hội…
Những "điểm nghẽn" pháp lý
Theo số liệu thống kê từ lực lượng Quản lý thị trường, chỉ riêng trong quý I năm 2025, đã có hơn 30.651 vụ vi phạm được kiểm tra và xử lý, với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 4.616,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là số vụ buôn lậu và gian lận thương mại vẫn duy trì ở mức cao, với các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng nhiều phương thức tinh vi và xảo quyệt hơn, triệt để lợi dụng các kẽ hở trong thủ tục hải quan và trên các nền tảng thương mại điện tử để vận chuyển, quảng cáo và tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các vụ việc sản xuất sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả bị phanh phui gần đây đã cho thấy những lỗ hổng không nhỏ trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Một trong những hạn chế lớn nhất của hệ thống pháp luật hiện hành là tính thực tiễn chưa cao, chưa thực sự bắt kịp với những diễn biến phức tạp của thị trường và các thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm. Luật và các văn bản pháp lý liên quan đôi khi còn mang nặng tính hình thức, thiếu những quy định cụ thể và linh hoạt để ứng phó hiệu quả với tình hình thực tế luôn biến động.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp không ít lần lợi dụng chính sách thuế và các quy định về thủ tục hải quan để thực hiện hành vi gian lận. Điển hình là việc khai báo thấp trị giá hàng hóa nhập khẩu nhằm trốn thuế, hoặc chia nhỏ linh kiện, phụ tùng của sản phẩm nguyên chiếc để khai báo dưới dạng linh kiện có thuế suất thấp hơn. Thủ đoạn này thường được thực hiện một cách tinh vi thông qua việc thành lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối với nhiều công ty để nhập khẩu từng bộ phận qua nhiều cửa khẩu khác nhau, gây ra không ít khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc kiểm soát và xử lý triệt để.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này nằm ở sự thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật về thuế, hải quan và thương mại, sự phối hợp chưa thực sự hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, cũng như việc thiếu vắng những quy định cụ thể, chặt chẽ để xử lý triệt để các hành vi gian lận. Việc xử lý vi phạm thường mang tính hành chính, với mức phạt chưa đủ sức răn đe, tạo điều kiện cho các đối tượng vi phạm dễ dàng lợi dụng những khoảng trống pháp luật để tiếp tục các hoạt động phi pháp.
Bên cạnh đó, vấn đề doanh nghiệp "ma" và sự lỏng lẻo trong quản lý pháp nhân cũng là một kẽ hở lớn. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bắt buộc phải có địa điểm hoạt động và người đại diện hợp pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, tồn tại không ít doanh nghiệp "ma" chỉ được thành lập với mục đích đăng ký sản phẩm, tạo vỏ bọc pháp lý nhưng không hề có hoạt động kinh doanh thực tế. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, buôn bán hàng giả, điển hình như vụ sữa giả quy mô lớn gần đây. Sự lỏng lẻo trong công tác quản lý và hậu kiểm sau đăng ký đã gây ra không ít khó khăn trong việc truy vết và xử lý các hành vi vi phạm.
Liên quan đến đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, bán ra thị trường suốt 4 năm, thu lợi 500 tỷ đồng, theo luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh cho biết, cần phải xem lại chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ các cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng lậu và hàng kém chất lượng trên thị trường.
Trong vụ việc này, có thể kể đến: Cục An toàn thực phẩm, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế, Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Công Thương... còn liên ngành, thì đã có Ban Chỉ đạo 389.
“Vì sao, chúng ta đã có bộ máy với đầy đủ ban bệ để có thể giám sát được việc này, nhưng vẫn không ai kiểm tra. Phải chăng các đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, hay sự phối hợp giữa các cơ quan có vấn đề?”, luật sư Vi Văn Diện đặt câu hỏi.
Tự công bố sản phẩm: Rủi ro tiềm ẩn
Chính sách tự công bố sản phẩm, được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP đối với phần lớn sản phẩm sữa và Nghị định 98/2021/NĐ-CP đối với trang thiết bị y tế loại A và B, với mục tiêu giảm tải thủ tục hành chính, đang bộc lộ những lỗ hổng pháp lý đáng lo ngại. Cơ chế này vô tình tạo điều kiện cho các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả, dễ dàng xâm nhập thị trường, gây hệ lụy cho người tiêu dùng và uy tín ngành.
Trong lĩnh vực sữa, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cho phép phần lớn sản phẩm tự công bố mà không cần thẩm định trước, chỉ yêu cầu bản tự công bố và phiếu kiểm nghiệm. Dù tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, quy trình này đã bị lợi dụng để đưa ra thị trường sữa không đạt chuẩn, thậm chí sữa giả. Việc kiểm tra sau công bố còn hình thức, đặc biệt tại các cơ sở nhỏ lẻ, làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, sự phân tán quản lý giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương gây khó khăn trong thanh tra, xử lý vi phạm.

Tương tự, trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định thiết bị loại A, B chỉ cần công bố tiêu chuẩn tại Sở Y tế mà không cần thẩm định trước. Việc chỉ dựa vào hồ sơ tự khai báo đã tạo kẽ hở. Nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để đưa sản phẩm y tế kém chất lượng, thậm chí hàng giả, ra thị trường, gây nguy hiểm cho người dùng và ảnh hưởng đến uy tín ngành. Việc phân loại sản phẩm theo rủi ro cũng bị lợi dụng để tránh các thủ tục nghiêm ngặt hơn cho loại C, D.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TP. Hồ Chí Minh cho biết: Vấn đề không hoàn toàn nằm ở thủ tục tự công bố hay phải đăng ký công bố. Mà mấu chốt là công tác hậu kiểm có thực chất, hiệu quả hay không? Khâu hậu kiểm giữ vai trò then chốt trong việc giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp. Do đó, giải pháp tốt nhất là hậu kiểm, thông qua cơ chế thanh, kiểm tra. Cơ quan chức năng phải làm tốt việc này, không thể trông chờ vào ý thức tự giác của doanh nghiệp khi có thể vì lợi ích mà họ nhắm mắt làm liều.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, chính sách tự công bố sản phẩm, dù mang lại những lợi ích nhất định trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, nhưng đang tiềm ẩn những bất cập nghiêm trọng trong cả lĩnh vực sữa và trang thiết bị y tế. Lỗ hổng pháp lý trong cơ chế này đang tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm kém chất lượng và hàng giả tràn lan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và làm suy yếu niềm tin vào hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm.
Để khắc phục tình trạng này, việc rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau công bố, đồng thời siết chặt các điều kiện công bố là vô cùng cần thiết. Chỉ có như vậy, mới có thể bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
Chồng chéo, thiếu đồng bộ
Sự thiếu đồng bộ và chồng chéo trong các quy định pháp luật giữa các lực lượng chức năng cũng là một rào cản đáng kể trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại. Luật Hải quan giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu trong địa bàn hoạt động hải quan cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, Luật Biên phòng Việt Nam lại trao quyền kiểm soát qua lại biên giới cho Bộ đội Biên phòng mà không giới hạn phạm vi, dẫn đến tình trạng cả hai lực lượng cùng có thẩm quyền kiểm tra phương tiện vận tải tại khu vực cửa khẩu, gây ra sự chồng chéo và xung đột trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Vấn đề này còn thể hiện ở sự mâu thuẫn trong quy định phối hợp xử lý vi phạm. Dự thảo Luật Biên phòng quy định cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý vụ việc trên cùng địa bàn thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, trong khi Luật Hải quan lại quy định cơ quan hải quan chủ trì xử lý vi phạm trong phạm vi địa bàn hoạt động của mình. Sự thiếu thống nhất này gây khó khăn trong việc xác định cơ quan chủ trì, dẫn đến lúng túng trong phối hợp và xử lý vụ việc.
Liên quan đến vụ án gần 600 nhãn hiệu sữa bị làm giả, chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, đây là lỗ hổng trong chuỗi kiểm soát. Bộ Y tế là cơ quan có chuyên môn, Bộ Công thương có lực lượng quản lý thị trường, còn địa phương là đơn vị trực tiếp cấp phép và kiểm tra. Nếu cả ba bên không phối hợp chặt chẽ, không xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, thì việc để lọt đường dây sữa giả hoạt động suốt thời gian dài là điều hoàn toàn dễ hiểu…
Thêm vào đó, việc phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng giữa các lực lượng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa cũng dẫn đến tình trạng chồng chéo trong hoạt động, thậm chí cùng một hành vi vi phạm có thể bị xử lý nhiều lần hoặc bị bỏ sót do chồng chéo về thẩm quyền.
Mặc dù pháp luật có quy định nguyên tắc phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau, nhưng trên thực tế, việc trao đổi thông tin và phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các lực lượng vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chung của công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Điển hình như trong lĩnh vực buôn lậu thuốc lá, sự chồng chéo giữa quy định xử lý hành chính và hình sự đã gây ra những khó khăn trong việc khởi tố vụ án hình sự, làm giảm tính răn đe của pháp luật.
Một khoảng trống pháp lý đáng chú ý khác nằm trong lĩnh vực quản lý thương mại điện tử và ghi nhãn hàng hóa. Hiện tại, vẫn chưa có những quy định thực sự rõ ràng về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, gây ra sự nhầm lẫn trong việc xác định "hàng Việt Nam" để hưởng ưu đãi thuế quan hay kiểm soát chất lượng. Điều này vô tình tạo ra kẽ hở cho các hành vi gian lận xuất xứ và buôn bán hàng giả trên môi trường thương mại điện tử. Hành vi gian lận trong khai báo hải quan và vấn đề chứng từ, hóa đơn giả, trốn thuế cũng là những vấn đề nhức nhối, gây thất thu ngân sách và làm méo mó thị trường.
Cần những giải pháp đồng bộ
Trước những bất cập và hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành, Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chỉ đạo sát sao nhằm khắc phục tình trạng này. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đồng thời đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã chỉ đạo cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lực lượng chức năng. Các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được ban hành, tập trung vào các địa bàn trọng điểm và môi trường thương mại điện tử.

Để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục các điểm chồng chéo, bất cập là vô cùng cấp thiết. Cần tạo ra một hành lang pháp lý đồng bộ, rõ ràng và phù hợp với thực tiễn. Tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng thực thi, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và kiểm tra cũng là những giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp, xây dựng cơ chế xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Hiệu quả của công tác này còn hạn chế do những bất cập của hệ thống pháp luật. Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật và áp dụng công nghệ hiện đại, hướng tới mục tiêu bảo vệ thị trường, người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Việc "vá" những lỗ hổng pháp lý sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch và bền vững.
Tuấn Ngọc – Thanh Nguyễn