Thời điểm này, các vườn nhãn trong tỉnh Hưng Yên đang bước vào mùa thu hoạch. Ngoài việc hái nhãn bán nhãn cho thương lái, các nhà vườn còn kết hợp phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm góp phần đưa trái nhãn Hưng Yên đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đưa sản phẩm nhãn đến gần hơn với người tiêu dùng
Hiểu được tiềm năng du lịch kết hợp với nông nghiệp, mới đây Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã tổ chức “Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn sang thị trường Nhật Bản năm 2024” vào ngày 2/8 tại TP. Hưng Yên và “Khai mạc Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên năm 2024” vào ngày 9/8/2024 tại Quảng trường K - Town, thuộc Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nhằm giới thiệu với người tiêu dùng trong và ngoài nước về nhãn lồng Hưng Yên cùng sản phẩm đặc trưng của vùng đất Phố Hiến.
Ông Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên cho biết: Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 4.600 ha nhãn, trong đó có trên 30% diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, với sản lượng trung bình trên 40.000 tấn. Nhiều sản phẩm nhãn, long nhãn của các hợp tác xã, tổ hợp tác được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. “Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên là hoạt động nhằm tiếp tục giới thiệu, quảng bá và khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên nói riêng và các mặt hàng nông sản tỉnh Hưng Yên nói chung đến với người tiêu dùng.
Đây cũng là dịp để hợp tác xã, nhà vườn, hộ sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh giới thiệu sản phẩm, lắng nghe đánh giá của người tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì đóng gói, đa dạng sản phẩm chế biến từ nhãn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, theo ông Vũ Quang Thắng.
Cùng ngày, gần 30 giảng viên và sinh viên hai Trường Đại học VinUni và Đại học Hồng Kông có chuyến tham quan, trải nghiệm tại Khu vườn nhãn hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Hồng Kỳ (thuộc xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên). Các sinh viên đến từ nhiều quốc gia như: Uzbekistan, Kyrgyzstan, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ, Nga, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc,…
Lần đầu tiên được đến thăm Việt Nam, thưởng thức trái nhãn lồng Hưng Yên ngay tại vườn nhãn, đoàn du khách bày tỏ sự thích thú với không gian thoáng mát, trong lành cũng như hương vị thơm ngọt đặc trưng của nhãn tiến vua và các sản phẩm chế biến từ nhãn.
“Tôi chưa bao giờ được ăn trái nhãn ở Việt Nam, lần đầu tôi được thưởng thức trái nhãn thì đây là một trải nghiệm rất thú vị, vườn nhãn cũng rất rộng và mát. Có nhiều sản phẩm nhãn để cho chúng tôi tham quan. Chuyến đi này đem lại cho tôi rất nhiều lý thú”, du khách Uzbekistan chia sẻ.
Ngoài thưởng thức nhãn quả tươi, đoàn du khách còn được tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, chế biến và tiếp thị trái nhãn, các sản phẩm từ nhãn như mật ong, long nhãn ôm sen ra thị trường.
Chia sẻ với Phóng viên, bà Trịnh Thị Minh Tuyết, xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết: Nhà vườn đã thu hút được rất nhiều khách đến thăm quan, du lịch và đến trải nghiệm. Một ngày thường có 4 đến 5 đoàn rất mong muốn quảng bá, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm trong nước cũng như là sang các nước khác.
Từ đầu mùa nhãn chính đến nay, các nhà vườn hợp tác xã ở TP. Hưng Yên đã đón hàng vạn lượt du khách đến tham quan trải nghiệm.
Mở rộng đầu ra cho nhãn lồng Hưng Yên
Theo ghi nhận của Phóng viên, những ngày này, tại các vùng trồng nhãn thuộc các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động… và TP. Hưng Yên đã có khá đông tư thương và khách các nơi tìm đến tham quan, khảo sát lựa chọn những vườn có chất lượng để thỏa thuận đặt mua nhãn phục vụ nhu cầu làm quà biếu, bày bán trong các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch và xuất khẩu.
Theo một số nhà vườn, với giá bán trung bình của giống nhãn quý tại địa phương được bán được giá cao, trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí là 120.000 đồng/kg. Giá bán các loại nhãn đều tăng cao so với năm 2023, trong đó, nhãn Hương Chi 35.000 – 40.000 đồng/kg, nhãn cùi giá 60.000 – 80.000 đồng/kg.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất ở các địa phương, trong đó có trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Điều này không chỉ làm tăng giá trị vùng trồng nhãn của Hưng Yên mà còn có ý nghĩa quan trọng về nguồn gen thực vật bản địa, giá trị về ẩm thực vùng miền và giá trị văn hóa, du lịch của Hưng Yên.
HTX xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, thuộc xã Tân Hưng, TP. Hưng Yên năm nay trồng trên 30ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 200 tấn quả. Theo ghi nhận, một số nhãn trà sớm đã cho thu hoạch, với giá bán nhãn hương chi trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 5.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Mý – Giám đốc HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng cho biết: Với phương châm "chất lượng sẽ làm nên thương hiệu," vì thế ngay từ khi thành lập, hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đáng chú ý, năm 2020 sản phẩm nhãn tươi của hợp tác xã là đơn vị đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được xuất khẩu sang thị trường EU, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong hợp tác xã trong việc giữ được "thương hiệu" cho quả nhãn tươi Quyết Thắng.
Được mệnh danh là "thủ phủ" nhãn của Hưng Yên, xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên) tập trung nhiều các giống nhãn đặc sản của mảnh đất Phố Hiến như nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn quả vuông, nhãn siêu ngọt, nhãn hương chi.
HTX nhãn lồng Nễ Châu, thuộc xã Hồng Nam, TP. Hưng Yên có 33 thành viên với diện tích canh tác 18 héc-ta. Đến nay, 100% diện tích canh tác của các thành viên HTX đều đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng. Những điều này đã tạo nên thương hiệu cho quả nhãn lồng của HTX.
Do vậy, trước mỗi mùa nhãn chín, HTX có nhiều đối tác từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tới tìm hiểu và hợp tác trong tiêu thụ nhãn. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sản lượng nhãn quả tươi của HTX năm nay ước đạt trên 400 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 2023.
Ông Bùi Xuân Sử, Phó Giám đốc HTX nhãn lồng Nễ Châu cho biết: Cùng với chuyển đổi 100% diện tích của thành viên trong HTX sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thôn chuyển đổi sang sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP để quả nhãn có chất lượng và an toàn. Ngoài các đơn đặt hàng trong nước, năm nay, đã có đối tác đặt 2 tấn nhãn Hương Chi sản xuất theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường nước Anh. Đối tác cũng đặt hàng thử hơn 1 tạ nhãn cùi vuông sang Anh để thăm dò, đánh giá thị trường phục vụ xuất khẩu những năm sau.
Trong khi đó, tại vùng nhãn Khoái Châu, hiện nay chưa vào vụ thu hoạch nhưng các chủ vườn nhãn đã khẩn trương liên kết, kết nối nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho quả nhãn. Năm nay, sản lượng nhãn toàn huyện ước đạt 9.000 tấn.
Cùng với việc thúc đẩy, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhãn, nhiều vườn nhãn ở Khoái Châu đã kết hợp tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại vườn nhãn. Đây là hoạt động hấp dẫn, thu hút nhiều du khách từ các nơi trong nước, thậm chí cả du khách nước ngoài tới trải nghiệm.
Một số hình ảnh tại Tuần lễ tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên ngày 9/8/2024: