Hai tháng trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời nguyên nhân do đâu. Doanh nghiệp sản xuất thức ăn nuôi tôm là Công ty Cj Vina Agri, cũng chỉ tiếp nhận thông tin một cách chiếu lệ. 

Kết quả... bất nhất

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có loạt bài phản ánh về việc gần 60 hộ nông dân nuôi tôm tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), nghi ngờ doanh nghiệp Hàn Quốc bán thức ăn kém chất lượng cho người chăn nuôi, khiến nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất trắng, do tôm nuôi bị mắc bệnh vành mang hàng loạt - một chứng bệnh chưa từng gặp trước đây.

DN Hàn Quốc bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng? - Bài 5: Mòn mỏi đợi chờ phân xử - Hình 1

Tôm bỗng dưng mắc bệnh lạ (Ảnh Cao Cường)

Tiếp nhận thông tin, Sở KH&CN Trà Vinh đã kiểm định chất lượng mẫu thức ăn. Sau đó, đã kết luận mẫu thức ăn hỗn hợp cho tôm sú nhãn hiệu Hanaro 7003 (ký hiệu TS06) của Công ty Cj Vina Agri là không đạt yêu cầu và đã xử phạt hành chính đối với đại lý phân phối sản phẩm cho công ty này.

Trong khi đó, cũng qua kiểm định mẫu thức ăn này, Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT Trà Vinh lại cho kết quả mẫu thức ăn của công ty trên "vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng" (?). Điều này gây nhiều tranh cãi, khiến các hộ dân bị thiệt hại vô cùng bức xúc. Đến thời điểm này, sở NN&PTNT Trà Vinh cũng chưa đưa ra kết luận chính thức và đang phải chờ kết quả cuối cùng từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Để làm rõ thông tin trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh.

DN Hàn Quốc bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng? - Bài 5: Mòn mỏi đợi chờ phân xử - Hình 2

Kết luận mẫu thức ăn Hanaro 7003 không đạt chất lượng (Ảnh Cao Cường)

Lý giải trước những khúc mắc đó, bà Nguyễn Hoàng Mỹ, Quyền Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tranh cãi này là do quy định kiểm tra chất lượng sản phẩm của 2 cơ quan khác nhau.

Theo đại diện phía Sở NN&PTNT, cơ quan này chỉ phân tích những chất chính có trong sản phẩm, chứ không phân tích toàn bộ các chỉ tiêu mà trong công bố sản phẩm đã gửi Bộ NN&PTNT. Bởi theo Thông tư số 50 của Bộ NN&PTNT thì, chất chính trong thức ăn chăn nuôi là chất quyết định công dụng và chất lượng của sản phẩm. Cụ thể, chất chính trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc cho gia súc, gia cầm và thức ăn thủy sản là protein thô và lysine tổng số.

Nhưng đối với Sở KH&CN, quản lý theo công bố tiêu chuẩn cơ sở. Do vậy, đã phân tích hết các chỉ tiêu. Chỉ tiêu nào không đạt thì sẽ bị xử phạt.

Bà Mỹ nói: “Trước đây, quy trình kiểm tra và xử phạt của Sở NN&PTNT cũng giống như bên Sở KH&CN. Nhưng sau khi Nghị định 119 sửa đổi thì chúng tôi chỉ kiểm tra và xử phạt khi những chất chính trong sản phẩm không đúng với thông số đã công bố”.

Những điều vô lý!

Trước nguy cơ mất trắng và phải sống trong cảnh nợ lần chồng chất, tâm lý hoang mang, gần 60 hộ nông dân nuôi tôm tại huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) đã gửi đơn thư cầu cứu, tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để đòi lại quyền lợi cho mình. Đồng thời, yêu cầu Công ty Cj Vina Agri phải chịu trách nhiệm, đền bù thiệt hại vì đã bán thức ăn kém chất lượng cho họ.

DN Hàn Quốc bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng? - Bài 5: Mòn mỏi đợi chờ phân xử - Hình 3

Thức ăn chăn nuôi Hanaro 7003 (Ảnh Cao Cường)

Nhưng qua buổi làm việc với Sở NN&PTNT thì được biết, giờ vẫn chưa xác định được nguyên nhân do đâu. Sở cũng đã nhiều lần thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Thủy sản đó là lấy các mẫu - chỉ tiêu về môi trường, quy trình nuôi tại cầu Ngang gửi Tổng cục để phân tích, đánh giá... đưa ra kết luận.

“Trong trường hợp, nếu nguyên nhân tôm bị bệnh vành mang hàng loạt vừa rồi là do thức ăn của Công ty Cj Vina Agri thì mình sẽ hướng dẫn người dân để kiện ra tòa. Lúc đó, việc chịu trách nhiệm và đền bù như thế nào thì tùy vào quyết định của tòa án. Nhưng hiện giờ, vẫn chưa tìm được nguyên nhân nên người dân cũng đành phải chờ thôi…”, bà Nguyễn Hoàng Mỹ, Quyền Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT cho hay.

Vừa là đại lý phân phối sản phẩm của Công ty Cj Vina Agri, và cũng có thể coi là nạn nhân của vụ việc, ông Mai Bảo Quốc cho biết, đã phải thế chấp tài sản của gia đình cho ngân hàng mới có đủ tiền nhập hàng để bán lại cho bà con nuôi tôm trong khu vực. Nhưng hiện nay, tôm của mọi người cũng bị bệnh, mất giá nên số tiền đó đang có nguy cơ... “không cánh mà bay”.

Đại lý thức ăn nuôi tôm của ông đã bị xử phạt hành chính, do bán thức ăn kém chất lượng của Công ty Cj Vina Agri. Vậy thì, tại sao chỉ phạt người bán mà không xử phạt người sản xuất? Đó là một sự vô lý!

“Người dân, bây giờ cũng bị thiệt hại giống như mình, mình đòi nhưng người ta không có tiền mà trả. Trước đó, tôi đã nhiều lần liên lạc với Công ty Cj Vina Agri, để cử người xuống giải quyết, nhưng kết quả nhận lại vẫn chỉ là sự chờ đợi trong im lặng”, ông Bảo chia sẻ.

Chờ đến bao giờ?

Là một trong nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay và nợ lần, ông Lê Đức Khoa (huyện Cầu Ngang) cho biết, gần đến lúc thu hoạch thì tôm đổ bệnh, phải bán với giá rất thấp. Trong khi đó, để có đủ tiền mua giống, mua thức ăn cho tôm, ông đã phải vay mượn nhiều người.

DN Hàn Quốc bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng? - Bài 5: Mòn mỏi đợi chờ phân xử - Hình 4

Bà Nguyễn Hoàng Mỹ trả lời phỏng vấn (Ảnh Cao Cường)

“Bao nhiêu vốn liếng của gia đình, tôi đều dồn hết vào vụ tôm này. Giờ tôm đổ bệnh, bà còn thiệt hại nặng nề mà các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân do đâu? Ai là người chịu trách nhiệm, đơn vị nào sẽ đền bù thiệt hại cho chúng tôi? Chúng tôi phải đợi chờ, khoanh tay đứng nhìn tài sản của mình chết đến bao giờ nữa…?”, ông Khoa bức xúc.

Quả câu hỏi khó trả lời! Bởi vì, các cơ quan chức năng còn chưa có sự thống nhất quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm, thì làm sao có thể đưa ra được kết luận chính xác? Trong khi người dân đang mòn mỏi chờ đợi một câu trả lời thỏa đáng.

Thiệt hại về kinh tế đã nhìn thấy rõ, vì chưa thể truy cứu trách nhiệm đối với đơn vị liên quan. Người nông dân còn gánh chịu một thiệt hại khác đó là tinh thần! Sự bức xúc và tâm lý hoang mang - đã khiến họ khó lấy lại sự ổn định cuộc sống và tâm thế để bước vào vụ nuôi mới.

Cũng cần nói thêm về sự thờ ơ của Công ty Cj Vina Agri: Phóng viên đã 2 lần liên hệ với công ty này, mong muốn nhằm làm sáng tỏ sự việc (lần gần nhất là 13/5/217); nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được bất kỳ sự phản hồi nào từ công ty này?

Hải Phong – Cao Cường