Theo người dân, trên địa bàn hai xã Thiện Tân, Thạnh Phú có 12 mỏ đá đang khai thác và hàng chục bến thủy nội địa, nên mật độ xe tải ben chở đá lưu thông qua tuyến đường ÐT 768 dày đặc.

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 1

Mật độ xe tải ben chở đá lưu thông qua tuyến đường ÐT 768 dày đặc khiến dân cư nơi đây phải "nín thở" mỗi khi qua đường

Ô nhiễm môi trường, tai nạn rình rập từ khai thác, vận chuyển

Ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận trong nhiều ngày cuối tháng 5, tại tuyến đường ĐT 768 (đoạn qua 2 xã Thạnh Phú và xã Thiện Tân) thường xuyên bị “bão bụi” bủa vây bởi hàng ngàn lượt xe ben lưu thông mỗi ngày. Mỗi lần xe tải đi qua là để lại phía sau một không gian trắng xóa, bụi mù, không thể thấy các phương tiện phía trước, nhiều người đi xe máy phải dùng tay bịt mũi hoặc phải tấp vào đường chờ đợi “màn sương” mới tiếp tục lưu thông. Hầu hết các xe ben chở vật liệu từ các mỏ đá lưu thông chở quá tải, gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT vẫn diễn ra phổ biến.

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 2

Xe chở đá từ mỏ ra đường suốt ngày chạy rầm rầm, bụi mù mịt, đá văng đầy đường khiến người dân gần khu vực mỏ phải chịu khổ

Tiếp xúc với chúng tôi, bà N.T.D (ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Các xe chở đá từ mỏ ra đường suốt ngày chạy rầm rầm, bụi mù mịt, đá văng đầy đường khiến người dân gần khu vực mỏ phải chịu khổ không ít. Khi nào có đoàn kiểm tra xuống thì họ phun xịt nước nghiêm chỉnh để giảm bụi và vận chuyển che chắn cẩn thận”.

Chúng tôi cũng nhận được nhiều lời than phiền từ người dân trong khu vực. “Mỗi ngày có đến cả trăm xe chở đá chạy ầm ầm từ trong các mỏ đá ra quốc lộ bụi dày đặc. Gia đình tôi đành phải đóng cửa cả ngày để cho bớt bụi, nhiều gia đình gần khu vực mỏ và đường vận chuyển đá không chịu được phải bán nhà hoặc đóng cửa nhà để đó rồi chuyển đến nơi khác sinh sống” - một người dân nhà bên đường ĐT 768 chia sẻ.

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 3

Xe tải “đua” nhau khiến người dân dọc tuyến đường này thấp thảm

Ông N.V.T (ngụ gần cầu Ông Hường, xã Thạnh Phú) cho biết: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri các cấp, người dân cũng đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này nhưng nói mãi vẫn không có gì thay đổi. Trong khu vực này có một trường mầm non và một trường tiểu học. Thế nhưng, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải chở đất đá từ khu vực mỏ đá Thiện Tân, Thạnh Phú ra tập kết tại bến thủy nội địa nằm dọc ven sông Đồng Nai. Dù có biển báo hạn chế tốc độ tại khu vực dân cư nhưng do chạy đường ngắn nhiều tài xế vẫn lên ga phóng bạt mạng để xoay vòng được nhiều lần khiến người đi đường khiếp vía, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra“, ông T bức xúc nói.

Cơ quan chức năng thờ ơ, dân bức xúc

Theo tìm hiểu của phóng viên thì UBND tỉnh Đồng Nai đã quy định thì từ ngày 31/3/2018, các chủ mỏ đá phải đầu tư bãi rửa xe trước khi vận chuyển khoáng sản ra đường chung và có hệ thống phun sương, vệ sinh phương tiện vận chuyển khoáng sản, làm đường bê tông kết nối ra tuyến đường chung... trong quá trình nghiền đá.

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 4

Đá sau khai thác đưa về hàng chục bến thủy nội địa

Tuy nhiên theo quan sát của pv tại các mỏ khoáng sản này, thì quá trình nghiền đá không dùng hệ thống phun sương, có đơn vị chưa đầu tư nơi rửa xe trước khi ra khỏi mỏ; tại nhiều khu vực mỏ vẫn chưa thực hiện đúng như quy định nên tình trạng ô nhiễm do quá trình chế biến, vận chuyển khoáng sản vẫn diễn ra. Hầu hết các chủ mỏ chưa đầu tư, có nơi đầu tư nhưng chỉ hoạt động lấy lệ dẫn đến việc ô nhiễm do bụi vẫn còn nhiều.

Bà L.T.T. (ngụ Thiện Tân) bức xúc: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu họ (lực lượng chức năng - PV) làm cái gì mà cả chục năm nay xe quá tải vẫn cứ nghênh ngang chạy, chẳng giải quyết được gì. Tôi đi tỉnh lộ 768 hàng ngày mà chẳng bao giờ cảm thấy an tâm vì xe quá tải chở hàng, chở cát đá, vật liệu cứ đua nhau mà chạy trong khi công an lúc đó thì không thấy đâu. Tai nạn do xe tải gây ra thường xuyên trên đoạn đường này (?!)”.

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 5

Khu vực dân cư nhưng do chạy đường ngắn nhiều tài xế vẫn lên ga phóng bạt mạng nhưng không thấy bóng dáng của cơ quan chức năng.

 Còn ông H.V.H. thì bức xúc: “Mỗi năm Nhà nước bỏ bao nhiêu tiền sửa đường, làm đường mới, toàn hàng trăm tỷ đồng không đấy! Các anh không xót nhưng người dân chúng tôi xót vì tiền làm đường là tiền thuế, tiền phí dân đóng mà. Các anh cứ để xe chạy cày nát đường. Rồi chỗ mấy cái mỏ khai thác nữa, bằng mắt thường thôi, tôi cũng đã thấy quá tải, mà sao cơ quan chức năng không thấy, không phát hiện và ngăn chặn, để tai nạn luôn rình rập chúng tôi?”

Đồng Nai: Hiểm nguy luôn rình rập người dân từ tuyến đường ĐT 768 - Hình 6

Tai nạn luôn rình rập người dân nơi đây

Vì sao UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra các giải pháp để bảo đãm an ninh trật tự cũng như bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản trên tuyến đường nói trên, nhưng các chủ mỏ vẫn không chấp hành khiến nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ vẫn luôn rình rập người dân nhưng ngành chức năng đang ở đâu? Vì sao không xử lý dứt điểm vấn đề khiến người dân bức xúc?

Ðồng Nai được xem là một trong những địa phương có hoạt động khai thác đá lớn nhất ở phía nam, với 46 mỏ được cấp phép để khai thác khoáng sản. Các mỏ đá đã và sẽ được khai thác phần lớn tập trung tại địa bàn huyện Vĩnh Cửu (14 mỏ), TP Biên Hòa (10 mỏ) và huyện Thống Nhất (6 mỏ). Khoáng sản được khai thác nhiều ở Đồng Nai là đá, cát, sét gạch ngói. Trong đó khai thác đá là vấn đề khiến nhiều người dân phản ứng nhất do ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông.

Báo TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cao Diên – Hải Dương