Liên quan đến những vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Dục Tú (huyện Đông Anh, Hà Nội), trao đổi với báo chí, ông Hoàng Hải Đăng – Chánh văn phòng UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) khẳng định trước sau gì cũng phải xử lý.

Trụ sở UBND huyện Đông Anh (Hà Nội)Trụ sở UBND huyện Đông Anh (Hà Nội)

Theo ông Đăng, khu vực này trước là khu đất chiêm trũng, sản xuất một vụ lúa và một vụ cá, sau này chỉ sản xuất một vụ lúa. Theo quy hoạch, khu vực này liên quan tới vùng sinh thái nông nghiệp, hợp tác xã sản xuất. Hiện trạng vẫn là đất nông nghiệp và chỉ cần nhìn cũng biết là xây dựng trái phép. Huyện đang yêu cầu UBND xã Dục Tú báo cáo, yêu cầu xã phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và trước sau gì cũng phải xử lý.

“Trường hợp trong quá trình hoạt động các hộ còn gây ảnh hưởng đến môi trường thì tuyệt đối không thể để tồn tại”, ông Đăng cho biết thêm.

Trước đó, như Báo Thương hiệu & Công luận đã phản ánh về tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức lấn chiếm, xây dựng công trình nhà xưởng, cơ sở sản xuất trái phép trên đất nông nghiệp ở thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Các hộ dân ngoài việc xây dựng trên đất nông nghiệp còn tổ chức sản xuất, chế biến gỗ, cán thép, mạ bu lông ốc vít… trái phép với quy mô lớn. Trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở không tuân thủ quy định về Luật Bảo vệ môi trường, xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường khiến người dân sinh sống gần đây bức xúc.

Hàng loạt nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Nghĩa Vụ, xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội)Hàng loạt nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Nghĩa Vụ, xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội)Hàng loạt nhà xưởng được xây dựng trên đất nông nghiệp tại thôn Nghĩa Vụ, xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội)

Tại khu vực này tồn tại gần chục cơ sở sản xuất, điển hình như: Cơ sở Hoành gỗ, Ngọc Hiền, Đức Hội, Huy Đại, Hiếu Hưng, Hựu Hân… Hầu hết các cơ sở này đều hoạt động theo danh nghĩa công ty nhưng không hề có các thủ tục pháp lý theo quy định của nhà nước.

Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong khoảng 200m đường đoạn từ đầu cầu Dục Tú đến đầu thôn Nghĩa Vũ, có khoảng 4 - 5 nhà xưởng được quây tôn kín, đi ngoài đường vẫn có thể nghe thấy tiếng máy móc hoạt động bên trong. Cổng ra vào đóng, mở liên tục để người và phương tiện chuyên chở, vận chuyển hàng hóa ra vào. Cả không gian mịt mù trong khói bụi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú, ông Thọ cho biết: "Những nhà xưởng này đều xây dựng trên đất nông nghiệp và đã tồn tại từ nhiều năm nay. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở sản xuất nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, chúng tôi sẽ lên phương án xử lý và muộn nhất là đến khoảng tháng 7/2020 là chúng tôi sẽ làm...".

Hà Nội yêu cầu xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công

Theo đó, Hà Nội yêu cầu báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành báo cáo kết quả về UBND TP. Hà Nội trước ngày 30/4/2020.

Cùng với đó, các sở: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBND TP. Hà Nội trước ngày 31/3/2020.

Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã; tổng hợp báo cáo UBND TP trước ngày 15/5/2020.

Trước đó, tại thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội chỉ đạo UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ xử lý vi phạm đất đai còn thấp nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm kịp thời, dứt điểm; cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị nhằm quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại, nhất là các vi phạm tồn tại từ trước năm 2014.

Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP. Hà Nội siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…

Huy Trung