Theo bà Dung, hiện tại, thị trường có tổng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng lưu trú lớn nhất là Nha Trang. Mặc dù sinh sau đẻ muộn so với Đà Nẵng nhưng thị trường này đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và vượt xa sự tưởng tượng trong 3 năm qua. Tổng nguồn cung lưu trú tại Nha Trang là gần 25 ngàn căn; trong đó có khoảng một nửa số căn đang được xây dựng, và dự kiến đến năm 2020, tất cả các dự án này sẽ được hoàn thiện.

Nha Trang cũng được dự báo là thị trường du lịch biển có nguồn cung dồi dào nhất trong 2 năm tới, tiếp sau đó là Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc. Hiện nay, Nha Trang và Đà Nẵng là hai thị trường tiên phong trong phát triển khách sạn trung và cao cấp.

Mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, tuy nhiên so với các thị trường lân cận, 4 địa phương này vẫn còn cách khá xa. Lấy dẫn chứng từ Phuket (Thái Lan) tổng lưu trú tích luỹ hiện nay ở khoảng 98.000 căn, gồm 80.000 phòng khách sạn 4-5 sao. Một thị trường phát triển mạnh hơn thế nữa là Pattaya (Thái Lan) với tổng lưu trú tích luỹ là 1.030 ngàn phòng.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực, bà Dung cho rằng đây sẽ là tiềm năng rất lớn đề bất động sản du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường.

'Đứa con lai' Condotel đứng trước nguy cơ sụt giảm lợi nhuận cho thuê - Hình 1

Bà Dương Thuỳ Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam

Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, nếu không có mô hình huy động vốn như condotel thì Việt Nam không thể có các công trình nghỉ dưỡng lớn như thời gian vừa qua.

Ước tính năm 2017, có 12.500 sản phẩm bất động sản du lịch như condotel, biệt thự nghỉ dưỡng tiến hành giao dịch. Sang năm 2018, các giao dịch tập trung sang các điểm sáng như Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong…

Tuy nhiên ông Hà cho rằng, với bất động sản nghỉ dưỡng, các chính sách liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo trì, bất động sản du lịch cũng cần phải được hoàn thiện như quy định, hướng dẫn cụ thể về thời hạn sở hữu condotel, nghỉ dưỡng.

'Đứa con lai' Condotel đứng trước nguy cơ sụt giảm lợi nhuận cho thuê - Hình 2

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Hà cho biết, nhà chung cư hiện tranh chấp giữa chủ đầu tư và người sở hữu rất căng thẳng về bảo trì, sở hữu. Condotel cũng gần giống mô hình nhà chung cư, nhưng quản lý vận hành thì người chủ sở hữu lại ủy quyền cho nhà đầu tư vận hành.

“Việc bảo trì các căn hộ condotel thế nào, quản lý ra sao, mô hình chia sẻ lợi nhuận… đều chưa có quy định của Nhà nước. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước, các hợp đồng mua bán, ủy quyền cũng phải được hướng dẫn mẫu để một số quy định tối thiểu cần phải có trong hợp đồng này, thì mới giúp cho mọi người huy động được nguồn vốn” – ông Hà nhấn mạnh.

“Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đề nghị các cơ quan nhà nước, như Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch nên phối hợp để xây dựng và ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển du lịch bền vững”, ông Hà khẳng định.

Bên cạnh vấn đề pháp lý, bà Dung còn đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng trước khả năng sụt giảm lợi nhuận cho thuê do nguồn cung ngày càng tăng. Ước tính trong giai đoạn 2017-2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có tới 27.000 - 29.000 căn hộ condotel được mở bán.

Trúc Mai