Theo phản ánh, dự án FPT Tower đang thi công thường xuyên chĩa cần cầu trục tháp vươn dài “cánh tay sắt” ra phía ngoài đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, bởi dự án được thi công ngay tại ngã tư nơi có mật độ dân cư đông đúc và lưu lượng giao thông dày đặc.
Trước đây, theo ghi nhận tại công trường dự án tại Lô D28 khu ĐTM Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cuối năm 2018, phóng viên nhận thấy có 3 cần cầu trục tháp lớn đang vận chuyển vật liệu xây dựng tại đây. Và có một cần cầu trục tháp đang vươn dài cánh tay sắt ra phía đường Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Cầu cầu trục tháp dự án FPT Tower vươn dài cánh tay sắt ra đường Phạm Văn Bạch cuối năm 2018
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với UBND phường Dịch Vọng. Làm việc với báo chí, ông Lê Đức Thịnh, Tổ trưởng tổ quản lý trật tự xây dựng và đô thị phường cho biết: “Dự án mới đây đã có đầy đủ hồ sơ giấy tờ rồi. Về phần cần cẩu trục tháp, chúng tôi sẽ kiểm tra và nhắc nhở. Tuy nhiên, phải “bắt tận tay” đúng lúc cần cẩu trục tháp chĩa ra ngoài đường thì mới được, chứ lúc kiểm tra không thấy thì không thể nhắc nhở hay xử phạt được”.
Ông Thịnh cho rằng, buổi gặp chỉ là trao đổi thông tin thôi chứ không có quyền phát ngôn với báo chí.
PV liên hệ với CĐT là Công ty Cổ phần FPT có địa chỉ tại số 17 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, phóng viên được chỉ định làm việc với Ban quản lý điều hành dự án tại công trình ở Lô D28 khu ĐTM Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Làm việc với báo chí có ông Đỗ Tường Hải, Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Tiến, Chỉ huy trưởng công trường và ông Tạ Quang Chiến, cán bộ phòng hồ sơ dự án.
Ông Đỗ Tường Hải cho biết: “Dự án này ban đầu do CTX Holdings làm CĐT, sau đó chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần FPT, hiện tại CTX Holding đang là tổng thầu xây dựng dự án nên nắm rõ hơn FPT về các vấn đề này. Do đó, CTX Holdings xin được đại diện FPT để trả lời về các thắc mắc của phóng viên”.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Chỉ huy trưởng công trường lý giải: “Đầu tiên, chúng tôi phải lắp hệ thống cần cẩu trục tháp, kiểm định cẩu, mua bảo hiểm cho cẩu, sau đó tiến hành lập các biện pháp an toàn thi công trên cơ sở tổng mặt bằng xây dựng, rồi chuyển lên bộ phận một cửa của Sở Xây dựng Hà Nội. Thời gian này diễn ra tối thiểu 1 tháng thì mới được cấp giấy phép vận hành cho cẩu tại dự án. Ngày 11/10/2018, dự án của chúng tôi được chấp thuận vùng hoạt động của cầu”.
Ông Tiến nói tiếp: “Vì cần cẩu tháp của dự án dài tối đa 60 mét, có vươn ra ngoài phạm vi công trình nên phải có văn bản chấp thuận sử dụng cẩu của cơ quan chức năng, còn nếu cần không vượt ra khỏi phạm vi công trường thì sẽ không cần văn bản chấp thuận đó”.
“Về nguyên tắc hoạt động của cẩu, cần của cầu không được phép phanh hoặc cứng, phải thả tự do theo chiều gió, nên việc xoay cần khi không có tải là điều hoàn toàn bình thường. Chỉ có đầu cần cẩu chĩa ra ngoài đường thì không có vấn đề gì. Đối trọng của cầu nằm trong phạm vi của dự án, toàn bộ việc vận chuyển vật liệu xây dựng cũng nằm trong phạm vi công trường và đều có hệ thống cảnh báo, cán bộ giám sát an toàn khi vận hành cẩu. Nếu có gió mạnh, chúng tôi sẽ dừng cẩu bởi khi đó không kiểm soát được cẩu”, ông Tiến cho hay.
Ống Tiến nói: “Để đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình, chúng tôi đăng ký lắp đặt vận hành 3 cần cẩu trục tháp. Dự kiến cuối tháng 1/2019 sẽ hoàn thành xong phần hầm, tháng 12/2019 sẽ hoàn thành xong toà nhà”.
Khi PV hỏi về việc cam kết thực hiện các vấn đề môi trường, ông Tiến và ông Chiến khẳng định hoàn thành đúng những gì đã cam kết. Ông Chiến cũng cung cấp đến phóng viên quyển Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và các hồ sơ văn bản làm việc với đơn vị vệ sinh môi trường, xử lý nước thải.
Tuy nhiên, sau đó ông Tiến cũng có thừa nhận đã một lần bị UBND Quận Cầu Giấy xử phạt hành chính 8 triệu đồng với lỗi làm rơi đất ra đường gây mất vệ sinh. “Đó là khi chúng tôi vận chuyển đất khi làm cọc, trời mưa nên đất rơi vãi gặp nước. UBND quận Cầu Giấy nhắc nhắn cần phải có các biện pháp che chắn”, ông Tiến nói.
Thế nhưng, mới đây, dự án FPT Tower lại một lần nữa bị bạn đọc phản ánh về tình trạng cần cầu trục tháp vươn ra ngoài đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cụ thể, dây cáp cẩu tháp ra ngoài vùng phạm vi công trường.
Cần cẩu trục tháp tiếp tục chĩa ra đường gây nguy hiểm (Ngày 26/7/2019)
Mặc dù đã được báo chí phản ánh thông tin về vấn đề cầu cẩu trục tháp chĩa ra ngoài đường gây nguy hiểm, thế nhưng cần cẩu trục tháp dự án FPT Tower vẫn “vô tư” như vậy, không rõ các cơ quan ban ngành liên quan có động thái gì trong việc này hay không?
Trước thực trạng các dự án lớn đang được xây dựng rầm rộ hiện nay thì việc đảm bảo công tác an toàn lao động của cẩu trục tháp đang được các cơ quan chức năng, đơn vị thi công cần phải được chú ý nhiều hơn. Nhiều “bài học” đã diễn ra trước đó để thấy nếu không cảnh giác, hậu quả sẽ đáng tiếc như thế nào. Ví dụ như vào tháng 8/2018, đã xảy ra sự cố đứt dây cáp cần cẩu trục tại Dự án The Sun, phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và sản xuất Thái Dương làm chủ đầu tư, làm sập toàn bộ nhà điều hành và bị thương 2 người. Ngay sau đó, dự án đã bị đình chỉ thi công để thanh tra toàn bộ.
Thiết nghĩ, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý, thi công dự án FPT Tower, để tránh những rủi ro có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Dự án Tòa nhà FPT Tower trước đó do Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư (CĐT) khoan cọc thử và thí nghiệm cọc ngày 19/10/2016, tuy nhiên sau đó dự án dừng lại hơn 1 năm sau (28/12/1017) dự án mới được tiến hành khởi công tiếp. Theo ông Đỗ Tường Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (CTX Holdings) cho biết: “Dự án bị dừng lại cho thời gian chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần FPT lâu, thủ tục chuyển nhượng xong thì dự án mới tiếp tục thi công”.
Được biết, ngày 03/11/2017, UBND Tp. Hà Nội đã có quyết định về chấp thuận chuyển nhượng dự án. Dự án được cấp giấy phép xây dựng ngày 11/10/2016 với quy mô 2 tầng hầm và 3 khối 8 tầng, 17 tầng, 21 tầng. Dự án được xây dựng trên diện tích gần 15.000 m2, tổng vốn đầu tư là 984,91 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH NKB Archi Việt Nam, Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam, Công ty CP Khoa học và công nghệ xây dựng. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH Apvae Châu Á- Thái Bình Dương. Tổng thầu là Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam (CTX Holdings).
Trúc Mai