Đó là anh Trần Đình Lai (sinh năm 1975, ngụ xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế). Anh là “cha đẻ” của hơn 200 chiếc máy phục vụ nông nghiệp được nhiều người tin dùng. Những sản phẩm được tạo ra đã đem lại những giải thưởng lớn về khoa học - công nghệ.
Xuất phát từ đam mê
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông lại đông con, tuổi thơ của anh Lai là những chuỗi ngày cơ cực. Từ nhỏ, anh đã theo bố mẹ ra đồng làm ruộng, nên những hình ảnh của người nông dân tần tảo trên những cánh đồng khiến anh không thể nào quên.
“Vào những ngày đông lạnh giá, khi những chiếc máy bơm nước để tiêu úng cho ruộng lúa bị hư hỏng, người dân phải hì hục, chạy vạy khắp nơi tìm thợ sửa… những hình ảnh đó làm tôi ám ảnh mãi”, anh Lai tâm sự.
Anh Lai bên những chiếc máy của mình
Từ những trăn trở đó, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thay vì chọn con đường vào đại học, anh Lai quyết định thi vào một trường trung cấp cơ khí ở TP. Huế. Sau khi tốt nghiệp, anh xin vào làm tại một xưởng cơ khí ở thành phố với mức thu nhập tương đối ổn định.
Tuy nhiên, trước những nỗi cơ cực của người nông dân ở quê nhà, anh quyết định về quê lập nghiệp sau 4 năm ăn làm ở thành phố.
Sau khi tích cóp được một số vốn trong thời gian là việc ở thành phố và vay mượn thêm từ bạn bè và người thân, anh Lai trở về quê nhà và mở một xưởng sửa chữa máy móc vừa phải.
Vào thời điểm phong trào nuôi tôm sú trên địa bàn huyện Quảng Điền, cũng như các địa phương lân cận phát triển mạnh. Nhu cầu sửa chữa các loại máy móc phát triển trong nông nghiệp, nhất là việc nuôi tôm cũng tăng cao, nhờ đó mà cơ sở của anh được nhiều người biết đến, thu nhập từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, một thời gian sau, mô hình nuôi tôm sú ở huyện Quảng Điền liên tiếp làm ăn thất bát vì dịch bệnh tràn lan, người nông dân gánh trên mình những khoản nợ rất lớn, kéo theo các loại máy móc phục vụ cho việc nuôi tôm cũng bị bỏ phế. Trước viễn cảnh đó, anh quyết định chuyển từ nghề sửa máy móc sang chế tạo, sản xuất các loại máy móc phục vụ trong nông nghiệp, nông thôn…
Anh Lai hướng dẫn từng chi tiết cho những người thợ của mình
Có một thực tế rằng, những năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng vỏ trấu để làm chất đốt không còn thịnh hành nữa, thay vào đó là bếp gas được sử dụng rất phổ biến. Từ đó, người dân đã đem vỏ trấu vứt bỏ rất bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Lúc này, anh Lai đã nảy sinh ra ý nghĩ biến vỏ trấu thành củi cung cấp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Sau nhiều lần thất bại, đầu năm 2008, chiếc máy ép củi trấu của anh Lai mới được hoàn thiện và cho ra những sản phẩm đầu tiên với chất lượng tốt. Đây cũng là năm anh đứng ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân Bạch Lai với mong muốn phát triển và mở rộng kinh doanh.
Sáng tạo vì nhà nông
Tiếp nối thành công trong việc sản xuất ra máy ép củi trấu, từ năm 2008 đến nay, mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường gần 50 máy ép củi trấu. Loại máy này không chỉ được tiêu thụ ở trong nước, mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, như Lào và Campuchia.
"Máy móc anh Lai làm ra tốt lắm, bà con đặt mua nhiều rồi dùng tốt nên họ truyền tai nhau. Đặc biệt, anh Lai rất vui tính và luôn cởi mở để học hỏi và tiếp thu ý kiến của người nông dân”, ông Phan Hải (54 tuổi, ở xã Quảng An) nói.
Ngoài những chiếc máy được tạo ra, anh Lai luôn tìm tòi học hỏi những kiến thức mới để sẵn sàng chế tạo ra những sản phẩm mà người dân đặt hàng
Với những thành công ban đầu, anh Lai tiếp tục nghiên cứu và cho ra hàng loạt loại máy móc khác như máy sấy mùn cưa, máy cắt nước đá liên hoàn, máy ép viên thức ăn chăn nuôi, máy sấy lúa đa năng... Mỗi năm, cơ sở anh Lai thu về hơn 3,5 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 22 thợ gò, hàn.
"Bà con mình cần cái chi thì tới gặp tôi, họ nói ra mong muốn của họ sẽ có một cái máy như thế này, như thế kia rồi tôi sẽ suy nghĩ, tìm tòi để làm ra một cái máy đáp ứng nhu cầu của bà con”, anh Lai khẳng định.
Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết: “Những sáng chế của anh Lai thực sư hữu ích cho người nông dân. Chúng tôi đang xúc tiến với Phòng Hạ tầng kinh tế và anh Lai để đăng ký thương hiệu những sản phẩm đặc trưng nhằm tránh tình trạng hàng nhái sản phẩm anh Lai, đánh lừa người tiêu dùng.
Với thành tích của mình, anh Lai đã nhận được nhiều giải thưởng có giá trị: Giải thưởng Lương Đình Của năm 2011 cho nhà nông trẻ xuất sắc, bằng khen và kỷ niệm chương của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đề tài giải pháp ý tưởng sáng tạo tiêu biểu trong năm 2011; giấy chứng nhận bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2016; danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017…
Nguyễn Quốc