Theo đó, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, tổng trị giá hàng hóa dự trữ khoảng 16.150 tỷ đồng (tăng khoảng 20% so với mức bình quân các tháng trong năm). Riêng tháng cận Tết (tháng 1-2022), dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30% nên lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ đạt khoảng 9.100 tỷ đồng.
Đồng thời, với kế hoạch này, lượng hàng hóa phục vụ Tết sẽ gồm khoảng 9,1 ngàn tấn gia súc, gia cầm; 6,2 ngàn tấn cá tươi các loại; 19 ngàn tấn rau củ quả các loại; 26 triệu quả trứng; 1,2 triệu chai rượu; 17 triệu lít bia; 8 triệu lít nước giải khát; 1,2 triệu tấn bánh mứt và kẹo; 56 ngàn m3 xăng; 59 ngàn m3 dầu; cùng nhiều mặt hàng may mặc, giày dép, mũ nón, hàng công nghiệp và hoa Tết các loại…
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối lớn có kế hoạch dự trữ hàng, khai thác tối đa kho hàng, đảm bảo công suất dự trữ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân với phương châm không để thiếu hàng, sốt giá, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến phức tạp của thị trường, đảm bảo an toàn phòng-chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá trong dịp cao điểm kinh doanh Tết, vừa để hỗ trợ cho người dân mua sắm, vừa thực hiện kích cầu tiêu dùng.
PV