Lùng Tám là một trong những xã của huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) sau khi lũ tràn về đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Đêm 22/6, mưa bắt đầu xuất hiện và ngày một nặng hạt hơn từ 23 và rạng sáng ngày 24/6. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió lốc dẫn đến sạt lở đất ở một số vị trí, trong đó có thôn Tùng Nùn và thôn Lùng Tám Thấp đã làm 2 người chết và 11 căn nhà ở đây chỉ sau ít phút đã bị lũ dữ cuốn trôi hoàn toàn. Nhiều nơi trong thoáng chốc đã trở thành hoang tàn.
Nỗi đau thiên tai để lại
Đi từ trung tâm huyện Quản Bạ vào xã Lùng Tám chừng 20 km, càng đi vào sâu trong xã chúng tôi càng thấy nhiều đống đất, đá ngổn ngang giữa đường sau trận sạt lở, lũ dữ vừa qua. Đến điểm trường thôn Tùng Nùn xã Lùng Tám huyện Quản Bạ (Hà Giang), điểm trường cũng là nơi trú ngụ tạm thời của 6 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, chúng tôi cảm nhận được sự ảm đạm vây xung quanh vùng tâm lũ nơi đây. Người đàn ông bế đứa con gái, bên cạnh là những thùng mì tôm của các nhà hảo tâm đến thiện nguyện, tặng quà cho bà con tại nơi vùng tâm lũ này. Gần lại hỏi thăm thì mới biết đó là anh Lù Chính Cồ chồng của 2 nạn nhân xấu số do thiên tai đã mang vợ và con gái của anh ra đi mãi mãi (chị Giàng Thị Lầu, 41 tuổi và con gái Lò Thị Và, 5 tuổi).
6 ngôi nhà của đồng bào dân tộc H”mông nay chỉ còn là bãi hoang tàn đất, đá
Đợt lũ vừa qua có lẽ là nỗi đau lớn nhất của anh Lù Chính Cồ thôn Tùng Nùn xã Lùng Tám, Quản Bạ (Hà Giang), khoảng đầu tháng 3 anh Cồ đi phát cây, cỏ thuê ở bên Trung Quốc, lương hàng tháng cũng đủ để anh gửi về cho vợ con chi tiêu ở nhà. Ôm đứa con gái út anh lau nước mắt kể: “Đang phát dọn cây, cỏ thì thấy thím gọi điện báo ở nhà mưa to, lũ lụt sập nhà cuốn trôi cả vợ và đứa con gái của cháu rồi. Tôi liền tức tốc xin nghỉ để bắt xe về quê ngay, khi mới đặt chân đến quê nhà, trước mắt tôi chỉ còn là một đống đất, đá hoang tàn. Không gì đau đớn hơn khi thấy vợ và con mình nằm trong đống bùn lạnh lẽo chú Nhà báo ạ”.
Anh Lù Chính Cồ chồng của 2 nạn nhân xấu số do mưa lũ cướp đi sinh mạng người vợ là Giàng Thị Lầu, 41 tuổi và con gái Lò Thị Và, 5 tuổi.
Cồ nhìn đứa con mặt buồn rầu kể tiếp “hai vợ chồng tôi lấy nhau được hơn chục năm, có 4 mặt con rồi. Hai vợ chồng tính với nhau để tôi đi làm thuê về tích góp được chút vốn rồi sửa sang lại nhà cửa, chứ không mưa nó dột không ngủ được. Tôi bây giờ không sang Trung Quốc làm nữa, phải ở nhà lo cho các con”.
Mưa lũ cuốn trôi hoàn toàn ngôi nhà của Lù Chính Cồ, không có nơi trú ngụ hiện anh Cồ phải về nhà bố mẹ để để ở tạm. Hôm nay trời đã ngớt mưa, cơn lũ cũng đã qua và bắt đầu có những tia nắng, thế nhưng nỗi đau mất mát của Lò Chính Cồ vẫn còn đó. Những nốt trầm vùng tâm lũ không thể nào kể hết, cũng như những nỗi đau buồn không thể nào xoa dịu trong ngày một, ngày hai.
Chia tay anh Cồ, chúng tôi không khỏi bị ám ảnh bởi những lớp bùn đất chưa kịp khô còn sót lại sau cơn lũ. Ở đó hàng chục ngôi nhà hàng năm vẫn phải gồng mình chống chọi cùng những đợt lũ trong tương lai.
Xã Cao Bồ huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cũng là vùng tâm lũ trong đợt thiên tai vừa qua, trên địa bàn toàn xã đã có 2 người thiệt mạng do sạt lở đất, đá (8 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn, 37 ngôi nhà phải di dời, gần 50ha hoa mầu, cây lâm nghiệp bị cuốn trôi hoặc vùi lấp). Tổng thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tức là sau chục ngày cơn lũ đi qua cuộc sống của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn xã Cao Bồ đã dần ổn định. Đa số các hộ gia đình có nhà bị trôi hoặc nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đã được dựng nhà tạm hoặc di dời đến nơi ở an toàn. Các tuyến giao thông cơ bản được khắc phục không còn bị chia cắt.
Nhiều ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn
Gia đình ông Hoàng Văn Giàu thôn Tham Còn, xã Cao Bồ bị cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa và tài sản, ông cho biết: “Ở đây chưa bao giờ xảy ra trận lũ nào kinh hoàng đến vậy, cả bản chúng tôi xưa nay bình yên, sống cạnh con suối vốn hiền hòa. Bao nhiểu của cải, tải sản của nhà tôi cũng cuốn trôi theo dòng lũ đi hết”.
Mắt trắng tài sản sau “lũ dữ”
Mưa lớn gây nên lũ quét đã làm sập hàng chục ngôi nhà tại các xã: Lùng Tám, Thái An, Đông Hà, Quyết Tiến… (Quản Bạ) khiến 2 người chết. Ngoài ra, huyện Quản Bạ có hơn 230 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ tường, sạt lở, hư hỏng. Bên cạnh đó, mưa lớn làm trên 270ha cây cối, hoa màu bị ngập úng. Nhiều tuyến đường Quốc lộ, Tỉnh lộ bị vùi lấp đất, đá một số đoạn, gây ách tắc giao thông. Ước tổng thiệt hại gần 60 tỷ đồng…
Tiếp xúc với chúng tôi chị Vàn Thị Lầu đang giặt nốt chỗ quần áo dính bùn do mưa lũ vừa qua để lại kể: “Trắng tay chú Nhà báo ạ! Hôm qua trời ngớt mưa tôi mới đi tìm lại đồ vật bị lũ cuốn trôi, tìm lại được vài thứ mà nó cũng hỏng bung bét hết, quần áo thì nhem nhuốc bùn hôm nay trời hửng nắng mới tranh thủ giặt để còn có cái mà mặc. Nương ngô, ruộng lúa nay cũng bị lũ dữ làm hư hỏng hết rồi, không biết bây giờ lấy cái gì mà ăn nữa!”.
bà Lù Thị Xì ngồi bên chuồng trâu, bò lau những giọt nước vì hậu quả của thiên tai
Cùng hoàn cảnh khó khăn như chị Lầu, bà Lù Thị Xì ngồi bên chuồng trâu, bò lau những giọt nước tâm sự: “Trâu bò, lợn gà mọi thứ trong gia đình coi như mất trắng, không còn gì đáng giá cả. Nhìn thấy cảnh nhà cửa của mình, mà không cầm được nước mắt cháu ạ. Vậy là gia đình tôi mất sạch rồi, chẳng còn gì nữa. Nhà cửa tan hoang như vậy, không biết vợ chồng chúng tôi và các con phải làm sao đây. Bao nhiêu công sức, mồ hôi và cả nước mắt của vợ chồng đổ vào đây, bây giờ nhìn cảnh như vậy, tôi làm sao có thể nín lòng được”.
Ông Nguyễn Ánh Dương - Bí thư Đảng uỷ xã Lùng Tám cho biết: Đêm xảy ra cơn lũ lịch sử kinh hoàng, nhận được tin báo từ trưởng thôn Tùng Nùn chúng tôi đã huy động tất cả cán bộ xã trắng đêm tìm mọi phương án để tiếp cận được thôn Tùng Nùn nơi được coi là tâm lũ dữ. Thôn Tùng Nùn cũng là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất khi cơn lũ quét vừa qua, đã có cả mất mát về người và tài sản. Ngay sau ngày hôm sau tất cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, các lực lượng đồng loạt, tích cực tham gia tìm kiếm, khắc phục nhanh nhất, sớm nhất những hậu quả cơn lũ đã để lại, sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào.
Toàn xã Lùng Tám có 7 thôn, với hơn 800 hộ, khoảng 4.000 nhân khẩu Dân tộc H’mông chiếm hơn 90%, cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, làm nương ngô). Tại xã Lùng Tám mưa lũ đã làm ảnh hưởng 34 hộ gia đình trong đó có 11 hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa, ngập úng hư hỏng 50 ha ngô và 20 ha lúa…
Thăm hỏi, hỗ trợ đồng bào nghèo tại vùng “tâm lũ”
Trao đổi với phóng viên, ông Hạng Dương Thành – Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Hiện nay, huyện đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên chức đúng 7h sáng ngày 30/6 có mặt tại xã Lùng Tám để lao động quét dọn vệ sinh toàn xã, dọn dẹp lại tất cả các khuôn viên trụ sở trường học trên địa bàn xã do mưa lũ làm ảnh hưởng. Cùng với đó san bằng và hỗ trợ làm lại móng nhà cho các hộ gia đình bị cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa.
Trong suốt những ngày qua, đã có rất nhiều đoàn từ thiên, những nhà hảo tâm đã hỗ trợ người dân Hà Giang bị thiệt hại trong đợt lũ quét vừa qua, những hộ gia đình có người thân tử vong và những hộ mất nhà cửa đều thuộc diện khó khăn. Sự động viên, thăm hỏi, sẻ chia của các tổ chức xã hội, những tấm lòng hảo tâm kịp thời tới các gia đình gặp nạn nơi vùng tâm lũ đã góp phần động viên tinh thần bà con sớm vượt qua hoạn nạn, đau thương để sớm ổn định cuộc sống, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang đã có hơn 20 cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ với số trên 4 tỷ đồng. Trong đó, Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam 300 triệu đồng; Ngân hàng Nhà nước 500 triệu đồng; Đài Truyền Hình Việt Nam 250 triệu đồng; tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Bắc Cạn, Điện Biên, Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã ủng hộ vùng lũ Hà Giang với số tiền 1,8 tỷ đồng…
Cùng với đó, hàng trăm đoàn từ thiện từ các tỉnh, thành phố trong cả nước đã trực tiếp đến vùng lũ để trao tiền, quà, quần áo và các đồ dùng sinh hoạt cho các hộ gia đình có người bị chết, nhà sập do mưa lũ, sạt lở đất.
Thiệt hại do thiên tai đối với người dân và cơ sở hạ tầng của tỉnh Hà Giang là rất lớn, do đó rất mong thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp tỉnh Hà Giang cũng như đồng bào nghèo tại vùng “tâm lũ” vượt qua khó khăn trong đợt thiên tai lần này.
Hoàng Cừ