Phó chủ tịch Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo trong hội nghị
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, toàn thành phố có 4.046 hộ nghèo trên địa bàn các huyện, thị xã đề nghị được hỗ trợ xây, sửa nhà ở theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 25/1/2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, số hộ phát sinh là 45 hộ, nâng tổng số hộ nghèo cần hỗ trợ là 4.091 hộ; trong đó, 2.190 hộ cần hỗ trợ xây dựng và 1.901 hộ cần hỗ trợ sửa chữa...
Hiện tại, các huyện, thị xã đang tiến hành rà soát, phân loại, kiểm tra hiện trạng nhà ở hộ nghèo, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định. Có 4 huyện, thị xã là Sơn Tây, Đan Phượng, Mỹ Đức, Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ (đơn đề nghị, ảnh hiện trạng nhà). Các đơn vị còn lại đang tiếp tục rà soát, hướng dẫn hộ nghèo hoàn thiện hồ sơ và tổ chức các đoàn kiểm tra hiện trạng nhà ở của hộ nghèo.
Các huyện, thị xã cũng tích cực huy động nguồn lực để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ nhà ở hộ nghèo như: Sơn Tây, Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì. Riêng huyện Thanh Oai đã ban hành Nghị quyết HĐND huyện về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo từ nguồn ngân sách huyện. Một số huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, đề nghị Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể của huyện vận động hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, một số huyện có nhiều hộ nghèo cần hỗ trợ trong khi ngân sách của địa phương và việc huy động nguồn xã hội hoá tại chỗ gặp khó khăn. Công tác rà soát, lập hồ sơ chưa chặt chẽ nên còn phát sinh hộ nghèo đề nghị hỗ trợ. Điển hình là huyện Đan Phượng phát sinh 30 hộ, 4 hộ thay đổi nguyện vọng từ sửa chữa sang xây mới; Mỹ Đức phát sinh 15 hộ; Thanh Trì phát sinh 24 hộ có nhu cầu được hỗ trợ xây, sửa nhà... Ngoài ra, vẫn còn huyện vướng mắc về hồ sơ đất đai...
Một trong số những huyện có số hộ đề nghị được hỗ trợ xây, sửa nhà lớn là Ba Vì (752 hộ) và Ứng Hoà (257 hộ). Không chỉ có tỷ lệ hộ nghèo cao, việc vận động xã hội hoá tại 2 huyện trên còn khó khăn khi số lượng doanh nghiệp ít; huyện còn có một số hộ đơn thân (không còn khả năng lao động)... Lãnh đạo huyện Ba Vì và Ứng Hoà đề nghị được thành phố hỗ trợ bổ sung kinh phí nhằm đảm bảo kế hoạch xây dựng và sửa chữa nhà cho các hộ nghèo...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý khẳng định, nhiệm vụ hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là chủ trương lớn của thành phố. Do đó, lãnh đạo thành phố đề nghị công tác thực hiện xây mới và sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo phải được hoàn thành trước 17/10/2018 - Ngày quốc tế xoá đói giảm nghèo.
Cụ thể, Phó chủ tịch Ngô Văn Quý giao các quận, huyện phải trình kế hoạch và rà soát nghiêm túc để không phát sinh thêm hộ nghèo cần hỗ trợ xây sửa trước ngày 20/3/2018. Đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, UBND cấp xã đứng ra xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ. Những địa phương gặp khó khăn trong quá trình huy động nguồn lực xã hội hóa cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động, mở rộng đối tượng huy động.
Phó chủ tịch Ngô Văn Quý giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài Chính có giải pháp thu nhận đầy đủ nguồn xã hội hoá mà các doanh nghiệp đã cam kết. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách Xã hội Thành phố có chính sách thông thoáng, tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ...
Phó chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là chính sách nhân văn của TP. Hà Nội, rất cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của toàn xã hội.
Ngày 25/1/2018, thành phố đã quyết định tổ chức Chương trình Vòng tay nhân ái để kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ người nghèo của Hà Nội xây dựng, sửa chữa nhà và hỗ trợ một số đối tượng khó khăn của 21 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị, chủ tịch UBND 15 huyện, thị xã đã ký cam kết với thành phố sẽ hoàn thành Kế hoạch hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trước ngày 17/10/2018.
Linh Tuệ/UBND t.p