Đặc biệt, mới đây, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một ca tử vong do bệnh sởi đầu tiên ở người lớn trong năm 2025. Bệnh nhân tử vong do mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đái tháo đường. Bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Sau 2 tuần dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, bệnh viên Bạch Mai cho biết, từ cuối năm 2024 đến nay, Viện đã tiếp nhận hàng trăm ca sởi ở người lớn, trung bình có từ 10 - 20 ca/ngày. Các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não.

Phần lớn đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng sởi nhưng không tiêm nhắc lại; có đến 75% bệnh nhân không nhớ lịch sử tiêm chủng. Các trường hợp mắc sởi thường từ 30 - 50 tuổi, chủ quan không nghĩ là bản thân mắc sởi nên khi vào viện thì bệnh đã nặng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: BVCC
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: BVCC

Cũng theo PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, các ca mắc sởi có biến chứng như viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, tăng men gan, suy gan, suy đa phủ tạng phải lọc máu, suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản… chiếm khoảng 5% trong số các bệnh nhân nhập viện. Những trường hợp có bệnh nền như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao hơn, dễ diễn tiến nặng phải can thiệp máy móc.

Sởi là bệnh có hệ số lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Sởi không chỉ ghi nhận ở trẻ em mà cả người lớn, đặc biệt là nhóm có bệnh nền hoặc miễn dịch suy giảm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não. Người lớn mắc sởi thường là những người chưa bao giờ tiêm vaccine phòng sởi, người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian, những người có bệnh nền, điều trị hóa chất, ung thư…

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Nếu người bệnh được chẩn đoán mắc sởi, cần được cách ly ngay lập tức để điều trị, tránh lây cho các trường hợp khác.

Tuấn Ngọc (t/h)