THCLVăn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng và thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển khu vực Hải Phòng.

Hải Phòng phát triển hệ thống cảng biển - Hình 1

Hải Phòng phát triển hệ thống cảng biển

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng cần bám sát các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; năng động, sáng tạo thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016.

Thành phố cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; có các biện pháp, cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, quản lý đất đai; tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư; đồng thời tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển quốc gia nói chung, cảng biển khu vực Hải Phòng nói riêng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện việc đầu tư Khu bến cảng Lạch Huyện cùng với các khu bến cảng khác trong khu vực Hải Phòng đảm bảo tiến độ, có kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hải Phòng có kế hoạch di dời cảng phù hợp quy hoạch, trong đó xây dựng lộ trình cụ thể và cơ chế, chính sách để thực hiện việc di dời cảng biển.

Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kết nối

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kết nối, đặc biệt khu vực sau cảng, như: khu dịch vụ logistics, đường giao thông gồm các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa…; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo sự cạnh tranh quốc tế.

Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc dịch chuyển cơ cấu hàng hóa, quy hoạch cơ cấu đầu tư, khai thác cảng hợp lý; đảm bảo cân đối giữa nhu cầu và năng lực bốc dỡ hàng tổng hợp và hàng công-ten-nơ để đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển tại các khu vực cảng biển trong phạm vi cả nước.    

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các cơ chế về phí, lệ phí, giá dịch vụ cảng biển, các quy định về hải quan, thuế.

Về Ban quản lý khai thác cảng biển, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình Ban quản lý đầu tư và khai thác cảng biển theo hướng đơn giản hóa và giao cho các địa phương thực hiện; Bộ Giao thông vận tải tập trung, tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Ban quản lý đầu tư và khai thác cảng biển cần được tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban quản lý khu kinh tế và phù hợp với quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Ban này phải đóng vai trò điều hành chung, quản lý đầu tư phát triển bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch; đồng thời, quản lý khai thác cảng đảm bảo hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra.

PV