Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), trong quý III/2021, giá trị nhập khẩu (NK) mực, bạch tuộc của Hàn Quốc giảm 22% đạt 218 triệu USD. Tính luỹ kế 9 tháng đầu năm, NK mực bạch tuộc vào thị trường này đạt 701 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam chiếm 24% thị phần tại Hàn Quốc, sau Trung Quốc chiếm thị phần cao nhất là 42%. 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trong quý III, đa số các nguồn cung lớn đều bị giảm XK mực, bạch tuộc vào Hàn Quốc, trong đó từ Trung Quốc giảm 17%, từ Việt Nam giảm 8%, từ Peru giảm 39%. Riêng NK từ Thái Lan vẫn tăng 9,5%. Luỹ kế 3 quý đầu năm, trong top 5 nguồn cung mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, chỉ Trung Quốc bị giảm XK 7,5% xuống còn 294 triệu USD, XK từ các nhà cung cấp khác đều có tăng trưởng dương, trong đó Việt Nam tăng 5%, Pêru tăng 9%, Thái Lan tăng 15%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong phân khúc bạch tuộc đông lạnh, bạch tuộc chế biến đông lạnh và bạch tuộc cắt đông lạnh là 2 sản phẩm chính của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc. Bạch tuộc chế biến đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc có giá dao động từ 13 – 20 USD/kg, trong khi giá xuất khẩu bạch tuộc cắt đông lạnh dao động từ 4,-9,5 USD/kg. Top doanh nghiệp xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc công ty CP Chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 14% giá trị xuất khẩu bạch tuộc sang thị trường này. Kế sau là Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Hợp Tấn chiếm khoảng 12%.

Mực nang, mực ống đông lạnh là sản phẩm nhập khẩu nhiều thứ 2 trong cơ cấu nhuyễn thể chân đầu nhập khẩu của Hàn Quốc với 206 triệu USD, chiếm 29%, nhưng giảm sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở phân khúc sản phẩm này, Việt Nam chỉ đứng thứ 4, chiếm khoảng 8% thị phần, sau Trung Quốc, Peru, Chile.

Ngọc Khánh