Diễn đàn Kinh doanh 2024 thu hút sự quan tâm của đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam
Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” thu hút sự quan tâm của đông đảo các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam

Cơ hội tốt cho đa dạng hoá chuỗi cung ứng

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp” do Tạp chí DĐDN phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chiều 26/6, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho hay, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã, đang có hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới thông qua việc ứng dụng thành tựu vượt bậc của công nghệ số. Những thay đổi này góp phần phát triển bền vững các chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng thích ứng trước những biến động lớn của kinh tế thế giới và khu vực.

Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, trong sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu. Thời điểm này, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đạt độ chín cả về vị thế, quy mô, năng lực để có thể nắm bắt cơ hội hiếm có, tạo cú bật mới cho tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng cho rằng, đa dạng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ yêu cầu khách quan mà còn là định hướng quan trọng của Đảng, Chính phủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị.

Tại Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mà Việt Nam có thế mạnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo… Đặc biệt, những nỗ lực để Việt Nam ký kết 19 hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng hàng đầu trên thế giới; trong đó, 16 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thực thi tạo cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và các tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việt Nam dần phát triển nhằm tự chủ một số ngành công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

“Trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, sau đó Chính phủ thiết kế chương trình hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước ở những ngành quan trọng có tiềm năng liên kết lớn”, ông Phòng bày tỏ quan điểm.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng. Nhờ sự thúc đẩy từ các chính sách hỗ trợ, nhiều chương trình triển lãm, thúc đẩy, kết nối, thông tin thương mại nghiên cứu thị trường, chuyển giao công nghệ được thực hiện. Thậm chí, việc hỗ trợ cung ứng theo chuỗi phát huy hiệu quả.

“Nhiều thương hiệu quốc gia đã vươn mình ra thế giới. Chúng ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nên công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh”, ông Hội thông tin. 

Tuy nhiên, ông Hội cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả, chưa có cơ chế, chính sách riêng khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Cần chính sách hỗ trợ kịp thời, có trọng điểm

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên của VEPR mới cập nhật cho thấy, có một số rủi ro cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như áp lực lạm phát toàn cầu và xu hướng lãi suất cao có thể tác động đến chính sách tiền tệ trong nước và gia tăng chi phí vốn; bất ổn địa chính trị, xu hướng phân mảnh tiềm ẩn nhiều thách thức cho hoạt động thương mại và đầu tư, giảm cơ hội hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các quốc gia và doanh nghiệp.

Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt và thị trường Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư công nghệ cao; Việc thiếu hụt lao động có kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu và công nghệ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; biến đổi khí hậu đang tạo ra các rào cản bảo hộ mới liên quan đến xanh hoá, tín chỉ carbon, bảo hộ ẩn náu dưới các chính sách ngành. 

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Một điểm đáng chú ý được ông Việt chỉ ra rằng, tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu không cao. Đến năm 2020, tỷ trọng GTGT nội địa của hàng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 50% và nhập khẩu đầu vào 50% còn lại. 

Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa vào được các khu công nghiệp đạt chuẩn do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư. Do đó, ở các cụm công nghiệp cũ không đáp ứng được tiêu chuẩn về môi trường, doanh nghiệp cũng gặp phải rào cản khi xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là tại thị trường EU do chính sách xanh của khu vực này như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment), Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn…

Ông Việt cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Cụ thể, cần tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu hóa.

“Việc khẳng định tên thương hiệu và làm rõ các sản phẩm “Made in Vietnam” là điều cần thiết trong bối cảnh phân cực hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ESG trong quản trị doanh nghiệp; xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại quốc tế”, ông Việt phân tích. 

Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ giữa doanh nghiệp với đơn vị nghiên cứu, chính sách, các trường đại học…Trong đó, hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, đứng trước yêu cầu mới về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cần hành động cấp bách để xác lập vị thế trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, và khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại, cần trả lại không gian và các nguyên tắc của cơ chế thị trường. Các biện pháp mang tính chất bao cấp, hỗ trợ, miễn, giảm đã được thực hiện quá dài cũng phải được “thu lại” hoặc thu hẹp dần về quy mô hay cường độ, nhờ đó thị trường sẽ quay trở lại vận hành đúng như quy luật vốn có của nó…

“Thu lại dần không có nghĩa là Nhà nước không tiếp tục có những biện pháp kiến tạo cho doanh nghiệp phát triển. Thay vì các biện pháp hỗ trợ như miễn, giảm, giãn, hoãn trên diện rộng thì nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đáng lẽ để dành cho việc này có thể được sử dụng để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho doanh nghiệp, tổ chức, thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo hay trong hệ sinh thái của các ngành công nghiệp mới trong tương lai như chất bán dẫn, chip, phương tiện vận tải điện, năng lượng sạch, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Các chính sách hỗ trợ có tính chất trọng tâm, trọng điểm như vậy, đặc biệt là giảm bớt hình thức trợ cấp, hỗ trợ sẽ nâng cao tinh thần tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám dấn thân vào các lĩnh vực mới mà nền kinh tế thực sự cần”, ông Bình bày tỏ.

Tiến Anh