Ông Lã Trung Đoàn (người đứng) cùng các nạn nhân chất độc hóa học trao đổi với PV
Tiền hậu bất nhất
Tòa soạn nhận được đơn thư phản ánh của ông Lã Trung Đoàn, xóm 3, Hải Hà, Hải Hậu (Nam Định).
Trong nội dung đơn thư, ông Đoàn cho biết: Do sự tắc trách - thiếu trách nhiệm của Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh Nam Định mà quyền lợi, danh dự của ông và hàng trăm nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) của huyện Hải Hậu, khi tham gia kháng chiến tại các chiến trường bị ảnh hưởng và có nguy cơ phải bị truy thu lại số tiền rất lớn. Điều này, gây bức xúc cho các nạn nhân, đối tượng chính sách.
Theo đó, ngày 6/5/2016, tại Biên bản khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học số 289/GĐYK-CĐHH của Hội đồng GĐYK Nam Định, có đầy đủ chữ ký, xác nhận của các thành viên hội đồng, gồm: Ủy viên chính sách, Hoàng Đức Trọng; Ủy viên thường trực, Nguyễn Quang Chiến; Phó chủ tịch thường trực, Đỗ Hồng Chương.
Tại Biên bản, có kết luận:
Căn cứ vào Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 18/11/2013 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH và Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật, bệnh nghề nghiệp ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng GĐYK Nam Định quyết định: Ông Lã Trung Đoàn, được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh đái tháo đường type 2 + tăng huyết áp giai đoạn I là 41%; bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học.
Đề nghị: Thực hiện theo chế độ quy định.
Ngày 6/6/2016, Sở LĐ-TB&XH Nam Định có Quyết định số 4729/QĐ-SLĐTBXH về việc cấp Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và trợ cấp hằng tháng. Qua đó, ông Đoàn được hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ ngày 1/6/2016 là: 1.673.000 đồng; trợ cấp được truy lĩnh từ ngày 1/5/2016 - 31/5/2016 là: 1.673.000 đồng.
Kể từ tháng 7/2017, mức trợ cấp trên được áp dụng theo Nghị định số 70/2017/NĐ-CP, ngày 6/6/2017 của Chính phủ với mức trợ cấp hằng tháng là: 1.799. 000 đồng.
Biên bản khám GĐYK kết luận tỷ lệ thương tật của ông Đoàn là 41% (tháng 5/2016)
Ngày 19/7/2018, Sở LĐ-TB&XH lại Nam Định ban hành Quyết định số 7376/QĐ-SLĐTBXH về việc điều chỉnh chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Qua đó, điều chỉnh mức trợ cấp đối với ông Lã Trung Đoàn từ mức 1.799. 000 đồng/tháng xuống hưởng mức 1.076.000 đồng/tháng, kể từ ngày 1/8/2018 với Lý do: Ngày 5/6/2018, Hội đồng GĐYK Nam Định ban hành Biên bản GĐYK số 109/GĐYK-CĐHH thay thế Biên bản GĐYK số 289/GĐYK-CĐHH, ngày 5/6/2016. Tại Biên bản GĐYK số 109/GĐYK-CĐHH đã kết luận lại tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật đối với ông Đoàn là 35%.
Đồng thời, thông báo thu hồi khoản tiền chênh lệch giữa mức trợ cấp theo tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật 41% và mức trợ cấp tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật 35% mà ông Đoàn đã hưởng từ tháng 5/2016 - 7/2018:
Số tiền chênh lệch trợ cấp từ tháng 5/2016 - 6/2017 theo quy định tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP của Chính phủ là: 9.408.000 đồng.
Số tiền chênh lệch trợ cấp từ tháng 7/2017 - 7/2018 theo quy định tại Nghị định số 70/2017/NĐ-CP của Chính phủ là: 9.399.000 đồng. Tổng số tiền bị truy thu là: 18.807.000 đồng.
Cần truy trách nhiệm
Trước việc “tiền - hậu bất nhất” từ những kết luận GĐYK của Hội đồng GĐYK Nam Định, ông Đoàn bức xúc:
Chúng tôi không được Hội đồng GĐYK tỉnh mời để GĐYK lại, nhưng đơn vị này vẫn gửi kết quả giám định lần hai (tháng 6/2018) về cho hàng trăm nạn nhân chất độc hóa học của Hải Hậu; các chỉ số xét nghiệm đều khớp với kết quả giám định lần đầu (tháng 6/2016); hội đồng này đã dựa trên cơ sở nào để “vẽ” ra các kết luận trên? Cá nhân tôi được hưởng chế độ từ tháng 5/2016, sao lại ghi là “khám giám định lần đầu, ngày 5/6/2018”?
Phần lớn những người được hưởng trợ cấp đều có gia cảnh rất khó khăn; có người, số tiền bị truy thu lên tới hàng trăm triệu đồng và không có khả năng hoàn trả.
Các nạn nhân chất độc hóa học không tự “chế” ra kết quả GĐYK này, không tự quyết định được mức trợ cấp hàng tháng. Cần phải “truy cứu” trách nhiệm của Hội đồng GĐYK Nam Định về việc làm “tắc trách” này.
Ông Lưu Hồ An, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Hậu cho biết: “Theo danh sách, toàn huyện có 111 đối tượng chính sách được hưởng trợ cấp do phơi nhiễm chất độc hóa học ở nhiều mức khác nhau, bị điều chỉnh hạ mức trợ cấp và phải bị truy thu số tiền đã hưởng do chênh lệch mức trợ cấp.
Trong đó, một số người có thời gian hưởng chế độ từ lâu và mức độ tổn thương cơ thể ở mức cao nên có mức truy thu tiền chênh lệch lớn. Phần lớn những người này đều tuổi đã cao, hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có người đã mất, việc truy thu rất khó thực hiện.
Đến nay, địa phương cũng chưa có giải pháp nào để phối hợp thực hiện việc này. Đây không phải do lỗi của các nạn nhân. Đề nghị cấp trên xem xét, có giải pháp giải quyết tồn tại này, bảo đảm quyền lợi cho người dân”.
Biên bản GĐYK kết luận tỷ lệ thương tật của ông Đoàn là 35% (tháng 6/2018)
Do đâu có sự điều chỉnh mức trợ cấp và bị truy thu số tiền đã hưởng do chênh lệch mức trợ cấp của các đối tượng chất độc hóa học huyện Hải Hậu; trách nhiệm của Hội đồng GĐYK Nam Định đến đâu? Giải pháp nào để giải quyết tồn tại trên, tránh gây thất thoát ngân sách nhà nước? Có hay không việc tắc trách trong các kết luận GĐYK của Hội đồng GĐYK tỉnh Nam Định?...
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguyễn Kiên
Ảnh: