Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến về việc đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không (CHK) Sa Pa, tỉnh Lào Cai trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hình thức đầu tư kết hợp giữa ngân sách Nhà nước theo đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đối với Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa.
Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không Sa Pa cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, công suất từ 2,5 triệu khách/năm đến 3 triệu khách/nắm, đón được tàu bay A320, A321 hoặc tương đương, có tổng mức đầu tư lên tới 5.903,5 tỷ đồng.
(Ảnh minh họa)
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh này đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét cân đối từ ngân sách Trung ương hỗ trợ để tỉnh Lào Cai đầu tư xây dựng khu bay và đường trục vào cảng với kinh phí là 3.088,781 tỷ đồng; Ngân sách địa phương cân đối thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn với kinh phí là 910,6 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư xây dựng các công trình quản lý bay trị giá 131,7 tỷ đồng sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư.
UBND tỉnh Lào Cai sẽ kêu gọi nhà đầu tư tư nhân để đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không với chi phí 1.772,43 tỷ đồng theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Bàn về đề xuất Trung ương hỗ trợ xây dựng sân bay Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai, T.S Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia JICA khẳng định, tại Việt Nam tỉnh nào cũng mong muốn có sân bay, tỉnh nào giáp biển cũng thích xây dựng cảng biển. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào tình hình thực tế, việc xây dựng sân bay, cảng biển có hợp lý không, cần thiết không.
Về đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, T.S Nguyễn Hữu Đức cho rằng với tổng mức đầu tư lên đến hơn 5.900 tỷ đồng không có tư nhân nào dám bỏ ra toàn bộ và cũng khó đảm đương được khi chưa biết hiệu quả đi đến đâu. "Chẳng ai mạo hiểm bỏ tiền ra toàn bộ để xây dựng, phải biết có lãi thì họ mới đầu tư", chuyên gia JICA nói.
TS Đức cho rằng, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ tới 3.100 tổng vốn đầu tư dự án cũng không khả thi. Vì ngân sách đang khó khăn, Chính phủ lại đổ tiền hỗ trợ xây sân bay thì không thể chấp nhận được. Hơn nữa, dù là ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương thì cũng đều là ngân sách, là tiền thuế của dân.
Vị này nhấn mạnh: "Lào Cai chỉ là một tỉnh miền núi và phát triển chủ yếu là du lịch Sapa. Để xây dựng sân bay thì cần nhiều điều kiện như các yếu tố về vị trí địa lý, tần suất đến của máy bay, nguồn khách, nguồn hàng, tính toán có lợi nhuận khi đi vào hoạt động… chứ không phải chỉ để nguyên phục vụ du lịch SaPa".
Ngoài ra, để du lịch Sapa thì cũng có nhiều phương tiện thuận lợi như tàu hoặc xe khách đi tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Từ trung tâm Hà Nội đến Sa Pa chỉ mất tầm 4-5 tiếng đi cao tốc, thuận tiện và không tốn kém nhiều chi phí. Có thể nói xây dựng sân bay tại đây hiệu quả không cao, gây lãng phí ngân sách và chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó thì miền Bắc cũng có sân bay Vân Đồn khá lớn, nên xây dựng sân bay ở Sa Pa có thể không thu được lợi nhuận nếu không muốn nói là lỗ.
T.S Nguyễn Hữu Đức cũng nhấn mạnh cần phải tính toán hết sức cẩn thận và cụ thể, không thể mất một nguồn ngân sách quá lớn để đầu tư trong khi dự án chưa biết có hiệu quả hay không. Nếu đề nghị xây dựng sân bay của tỉnh Lào Cai được chấp thuận thì có thể gây tiền đề xấu. Khi một tỉnh có thì các tỉnh, thành phố khác cũng sẽ đòi để được có sân bay. Đã không kiềm chế được thì cũng không nên để khuyến khích các tỉnh khác thi nhau đề xuất và xây dựng hàng loạt rồi thì việc thắt chặt lại là rất khó.
Theo Phương Lê (Môi trường và Đô thị)