Huyện Kim Động (Hưng Yên): Tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, sụt lún nhà lở đất? - Hình 1

Bãi rác lộ thiên tiềm ẩn ô nhiễm môi trường

Vừa qua, báo Thương hiệu và Công luận nhận được phản ánh của người dân đang sinh sống tại thôn Phú Mỹ, (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên), về việc bãi tập kết rác thải của xã Đức Hợp, đặt trên địa bàn thôn Phú Mỹ đang có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.

Theo phản ánh, năm 2009 bãi tập kết rác này được UBND xã Đức Hợp triển khai, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ sau khoảng 4 năm, đến năm 2013 bãi rác đã trở nên quá tải, mùi hôi thối bốc lên và ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

Lúc này, người ta thấy xuất hiện máy ủi, máy xúc của Cty Cổ phần Xây dựng & Thương mại Thành Phát (sau đây gọi là Cty Thành Phát) thường xuyên có các hoạt động đào, múc đất và san lấp rác tại khu vực này.

Trao đổi với phóng viên, người dân thôn Phú Mỹ cho biết, hàng ngày người dân đang phải sống và chịu cảnh ô nhiễm môi trường của bãi tập kết rác, cùng với đó là hoạt động khai thác đất của Cty Thành Phát đang làm thay đổi hiện trạng đất đai, hủy hoại bờ kè sông Hồng. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, môi trường thì ô nhiễm, nước sinh hoạt vẩn đục bất thường, đường đất có nơi sắp bị lở, lún gây hoang mang khi mùa mưa bão đến gần.

Người dân cho biết, từ khi có bãi rác lộ thiên xuất hiện, hàng trăm hộ dân phải sống trong môi trường xú uế, mùi khét nồng nặc mỗi khi rác bị đem ra đốt. Trước đây, bãi rác có tường bao, bên dưới được trải vật liệu chống thấm, tuy nhiên sau một thời gian thì tường bao bị đổ vỡ, chất lượng chống thấm không đảm bảo, khi rác phân hủy đã ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều người bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu sản xuất gạch của Cty Thành Phát, người dân cũng “tố” rằng công ty này đã hoạt động không đúng với những gì được cấp phép. Cụ thể, trong giấy phép khai thác khoáng sản số 1509/GP-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên cấp cho công ty Thành Phát ngày 17/8/2012 nêu rõ cho phép công ty này khai thác đất sét tại xã Đức Hợp.

Tuy nhiên, người dân thôn Phú Mỹ khẳng định, diện tích 55.392m2 đất đang được Thành Phát khai thác làm vật liệu thuộc loại đất màu, đất phù sa chứ hoàn toàn không phải là đất sét như trong giấy phép nêu.

Cũng trong giấy phép này, UBND tỉnh Hưng Yên quy định trữ lượng khai thác là 166.176m3, chiều sâu khai thác tối đa là 3,0 m trong thời hạn 7,5 năm. Nhưng người dân thôn Phú Mỹ khẳng định rằng, nhiều chỗ bị Cty Thành Phát đã múc đất với độ sâu lên đến 5 – 6 m, thậm chí có những nơi còn sâu hơn nữa.

Ngoài ra, người dân còn bức xúc cho rằng, việc hoạt động của Cty Thành Phát đã và đang tác động khiến bờ kè sông Hồng và đập tràn phân lũ tại xã này bị ảnh hưởng.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Văn Sáng – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hợp cho rằng: "Nếu như chủ quan thì ảnh hưởng của bãi rác đến nguồn nước sinh hoạt, và môi trường sống của dân là có, nhưng thực chất nó bị ảnh hưởng thế nào thì phải có cơ sở khoa học”.

Đối với phần diện tích đất đang giao cho đơn vị này thuê để khai thác đất, ông Sáng cũng khẳng định đây là đất công điền, được quy hoạch và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng, và cho Thành Phát thuê là đúng quy định của pháp luật.

Riêng đối với nội dung Cty Thành Phát đang khai thác đất có đúng với loại đất trong giấy phép không, thì ông Sáng khẳng định: “Diện tích ấy không hề có đất sét mà chỉ có đất thịt, đất màu”.

Tuy phân tích về khái niệm đất sét, đất á sét, nhưng bản thân ông Sáng cũng cho rằng nội dung của giấy phép không rõ cho khái niệm ngôn ngữ. Chính vì thế việc Thành Phát đang khai thác đất có đúng hay không cũng khó có thể lý giải?

Bên cạnh đó, trả lời về câu hỏi hoạt động của Cty Thành Phát có ảnh hưởng đến đập tràn phân lũ của xã không, ông Sáng cho biết, một phần của hệ thống này nằm trong khuôn viên của Thành Phát, đã được xây dựng hệ thống cống cao trên 1 m, rộng trên 1m và khi xã có hoạt động xả lũ thì công ty này phải có trách nhiệm khơi thông dòng chảy.

Tuy nhiên, trên thực tế, dư luận trong nhân dân thôn Phú Mỹ đang thể hiện sự hoang mang lo lắng về ảnh hưởng môi trường đến đời sống, đến không khí và nguồn nước sinh hoạt. Là sự lo sợ khi thấy nhiều phần diện tích đất có dấu hiệu nguy cơ của sự lún sụt ngay gần với khu vực dân cư, thậm chí là có hiện tượng nứt ở trên tường nhà.

Đối với hoạt động khai thác đất đang được thực hiện bởi công ty Thành Phát, thì những nghi ngờ về sự tuân thủ giấy phép, sự hợp pháp của loại đất, và đặc biệt sự ảnh hưởng đến công trình kè sông Hồng và đập tràn phân lũ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tất cả đều cần có những cơ sở khoa học, những kết luận khảo sát, quan trắc mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng liên quan cần nhanh chóng vào cuộc để có những căn cứ, giải quyết nỗi hoang mang lo lắng cho người dân và gỡ nút hoài nghi của dư luận. Riêng đối với UBND tỉnh Hưng Yên, có lẽ đơn vị này cần xem lại khái niệm thế nào là đất sét.

Hải Minh