THCL Mặc dù chưa được cấp giấy phép hoạt động, nhưng hàng chục phòng khám (PK) tư nhân trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh.
Một cơ sở RHM hoạt động không phép
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế của TP. Hà Nội và huyện Phúc Thọ ở đâu, khi các cơ sở này hoạt động trái phép nhiều năm qua?
Nhan nhản PK… “chui”
Tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng một loạt PK tư nhân trên địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) không có giấy phép, nhưng vẫn vô tư hoạt động trong nhiều năm qua khiến nhiều người dân bất an, lo lắng.
Trước sự việc trên, phóng viên đã khảo sát thực tế tại địa bàn thị trấn Phúc Thọ, xã Ngọc Tảo, xã Trạch Mỹ Lộc, xã Tam Hiệp, xã Võng Xuyên và nhận thấy, nhiều PK không có giấy phép hoạt động. PK Nha khoa 108, địa chỉ ngã tư Gạch, thị trấn Phúc Thọ; Nha khoa răng hàm mặt Quốc tế, địa chỉ xã Võng Xuyên; Nha khoa Hà Nội, Cụm 2 xã Trạch Mỹ Lộc… đều không ghi đầy đủ giấy phép hoạt động trên biển hiệu PK.
Theo quan sát, những PK nha khoa này đều trên đường trục chính, biển bảng lớn treo ngang nhiên trong một thời gian dài mà các cơ quan chức năng có liên quan chưa từng kiểm tra và xử lý? Phải chăng ở đó có nhiều khuất tất?
Theo quy định, mỗi PK nha khoa phải hội đủ các tiêu chí như có diện tích tối thiểu khoảng 40 m2, được phân thành 3 khu vực riêng biệt để tránh “lây nhiễm chéo” (gồm phòng chờ, khu khám bệnh và khu vực làm các thủ tục nha khoa). Đó là chưa kể phòng khác phải có các thiết bị chuyên dùng và đặc biệt phải có bác sỹ có chứng chỉ hành nghề…
Sai phạm nguy hiểm nhất là bác sỹ nha khoa “ở tận đẩu đâu” nhưng PK vẫn hoạt động bình thường. Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều PK ở mặt đường chính của trục QL 32 không đáp ứng đầy đủ trang thiết bị, trang phục cho nhân viên, thậm chí có cơ sở hết sức sơ sài, diện tích lụp sụp chỉ được vài mét vuông.
Người dân nên cẩn trọng!
Đặc điểm chung của các PK tư nhân là biển hiệu quảng cáo rất hoành tráng, thậm chí giá dịch vụ còn rẻ hơn các cơ sở khác, nhưng trên biển không hề có thông tin về giấy phép hoạt động. Thêm nữa là các cơ sở này trưng biển thực hiện các kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề cao, nằm ngoài khả năng của PK.
Chỉ với 300.000 – 700.000 đồng, người bệnh nhổ răng số 8 (răng trong cùng) sẽ được “giải quyết”. Thậm chí, thủ thuật nắn chỉnh hàm, vốn phải có chứng chỉ riêng và 18 tháng kinh nghiệm làm việc thực tế mới được phép thực hiện.
Cách nhận biết PK răng đủ điều kiện hoạt động không khó. Đó là những PK có ghi số giấy phép do sở y tế cấp trên biển hiệu. Trong PK dán công khai tên người hành nghề; văn bằng chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động chuyên môn của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và các nhân viên đăng ký hành nghề tại cơ sở; danh mục kỹ thuật đã được sở y tế phê duyệt, giá dịch vụ; tên và địa chỉ cơ quan QLNN trực tiếp; thời gian hoạt động… Vì vậy, người dân cần cảnh giác, sáng suốt lựa chọn cho mình những dịch vụ tin cậy.
Những PK trên đều hoạt động công khai và trong thời gian dài, vậy nhưng chẳng mấy khi bị ai... “sờ” tới. Lần nào thực hiện kiểm tra trên diện rộng cũng phát hiện hàng loạt sai phạm, điều đó cho thấy công tác kiểm tra giám sát, quản lý không thường xuyên, hoặc nếu có thì cũng chỉ theo… phong trào nên các cơ sở dễ dàng né tránh.
Câu hỏi đặt ra: Ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp khi để các PK, nhà thuốc không phép hoạt động công khai như vậy?
Đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội vào cuộc và có biện pháp chấn chỉnh đối với các trường hợp vi phạm nêu trên.
Ngọc Linh – Phan Chinh