Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) dẫn dữ liệu từ Kpler - công ty theo dõi vận chuyển và ICIS - nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa cho thấy, Châu Âu đã hạn chế nhập khẩu dầu từ Nga, nhưng khí đốt tự nhiên vẫn được phép.
Theo phân tích từ IEEFA, các công ty Pháp đã nhập khẩu gần 4,4 tỷ m³ LNG của Nga trong nửa đầu năm nay, so với hơn 2 tỷ m³ trong cùng kỳ năm ngoái.
TotalEnergies - “gã khổng lồ” năng lượng của Pháp chiếm thị phần lớn nhất trong danh sách nhập khẩu từ tháng 1-6/2024 cho biết, họ bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát (tháng 2/2022).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp cho hay, sự gián đoạn trong hoạt động vận tải qua Kênh đào Suez đã buộc nước này phải định hình lại hoạt động nhập khẩu LNG. Khí đốt từ Trung Đông không còn dễ dàng đến Châu Âu, trong khi đó, tuyến đường của Nga từ Bắc Cực không bị ảnh hưởng.
Dự án LNG lớn nhất của Nga nằm ở Bán đảo Yamal thuộc Vòng Bắc Cực, là một liên doanh với TotalEnergies - công ty sở hữu 20% cổ phần tại dự án.
Theo hợp đồng được ký kết năm 2018, tập đoàn Pháp cam kết mua 4 triệu tấn khí đốt từ dự án đó mỗi năm.
Khẳng định có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng các hợp đồng đã ký, TotalEnergies cho biết sẽ tiếp tục hoạt động này "miễn là các chính phủ Châu Âu coi khí đốt của Moscow là cần thiết cho an ninh nguồn cung của Liên minh Châu Âu (EU)".
Phía TotalEnergies cho hay, chỉ khi các lệnh trừng phạt mới được áp dụng thì họ mới có thể đình chỉ các giao dịch mua LNG từ Nga.
Nguồn AP