1. Luật sư Nguyễn Thị Kim Xuân, Đoàn Luật sư Hà NộiLuật sư Nguyễn Thị Kim Xuân, Đoàn Luật sư Hà Nội

Việc kinh doanh qua mạng xã hội đã có từ lâu và hiện nay đang rất phổ biến, nhưng việc kê khai thu thuế lại chưa được thực hiện tương xứng. Theo Luật sư, nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng này?

Theo quy định của pháp luật về thuế thì, các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, theo quy định của pháp luật đều phải có nghĩa vụ nộp thuế, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.

Tuy nhiên, việc kê khai thu thuế đối với đối tượng kinh doanh qua mạng xã hội kém hiệu quả. Điều này, xuất phát từ một số lý do như sau.

Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý thuế, mặc dù Luật Quản lý thuế năm 2019, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đã trao nhiều quyền hơn cho cơ quan quản lý thuế, tuy nhiên vẫn cần cơ chế và công cụ để thực hiện quản lý và thu thuế đối với đối tượng kinh doanh qua mạng xã hội bảo đảm đúng đối tượng, minh bạch và công bằng.

Thứ hai, về phía hộ gia đình, cá nhân có hoạt động kinh doanh, sự hiểu biết pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế của người dân còn hạn chế. Do đó, cá nhân mặc dù kinh doanh thường xuyên, nhưng không đăng ký kinh doanh, không có mã số thuế, không tự giác kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Mặc khác, trong khi việc kê khai và nộp thuế vẫn chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kinh doanh, thì việc không nộp thuế lại giúp họ có thể giảm giá bán hàng tương ứng. Đặc biệt, với những người kinh doanh qua mạng xã hội, họ không mất nhiều chi phí mặt bằng vì không cần thuê cửa hàng ở vị trí đẹp, mà có thể sử dụng mặt bằng trong ngõ ngách hoặc sử dụng luôn kho hàng để livestream bán hàng, như vụ việc kho hàng ở Lào Cai mới đây, bị Tổng cục Quản lý thị trường và Bộ Công an kiểm tra, phát hiện.

Vì thế, họ có thể giảm sâu giá bán, tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với mặt hàng cùng loại trên thị trường đang được bán trong cửa hàng, siêu thị. Vì lợi ích kép này, người kinh doanh thậm chí càng tìm cách trốn thuế.

Thứ ba, về phía người tiêu dùng,có 2 thói quen đó là thanh toán bằng tiền mặt và không yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn, chứng từ, cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu căn cứ xác định doanh thu, chi phí của người bán.

Việc kê khai thuế kinh doanh trên mạng xã hội đang tiến hành ra sao và các cơ quan quản lý thuế có thể đối mặt những khó khăn nào trong quá trình triển khai?

Theo tôi được biết, cơ quan thuế đã tiến hành rà soát, sàng lọc cá nhân kinh doanh qua tài khoản trên mạng xã hội, loại trừ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký kê khai, nộp thuế, rồi mời chủ tài khoản đến kê khai thuế, trường hợp doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Tuy nhiên, cá nhân có thể mở một hoặc vài tài khoản để kinh doanh trên mạng xã hội với thông tin không xác thực khá dễ dàng, khiến cho việc cơ quan quản lý thuế xác định danh tính, địa chỉ liên hệ của các cá nhân kinh doanh để sàng lọc đối tượng kinh doanh nhưng chưa đăng ký kinh doanh sẽ gặp nhiều trở ngại, khi mà các thông tin họ đăng trên mạng xã hội có thể không chính xác.

Một khó khăn khác có thể kể đến mà các cơ quan thuế gặp phải như thiếu căn cứ xác minh việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có đúng hay không.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội ứng dụng công nghệ thông tin, vì vậy, nếu thiếu sự phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành về thông tin và truyền thông, công thương, cũng như ngân hàng, thì việc xác định lượng hàng hóa được mua bán và doanh thu sẽ khó thực hiện được một cách đầy đủ.

Thực tế, cùng mộtsản phẩm nhưng người kinh doanh thực hiện việc bán hàng theo nhiều phương thức khác nhau như vừa bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, vừa bán qua mạng xã hội. Liệu rằng, có xảy ra tình trạng thuế chồng thuế?

Căn cứ tính thuế là doanh thu do cá nhân kinh doanh tự kê khai, không phụ thuộc vào phương thức bán hàng trực tiếp tại cửa hàng hay qua mạng xã hội.

Cơ quan thuế căn cứ vào hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra để xác định tính chính xác của việc kê khai. Do đó, nếu kê khai trung thực và có chứng từ chứng minh, sẽ không thể xảy ra trường hợp thuế chồng thuế.

2. Khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội là xu thế được nhiều bạn trẻ lựa chọn (Ảnh minh họa)Khởi nghiệp kinh doanh qua mạng xã hội là xu thế được nhiều bạn trẻ lựa chọn (Ảnh minh họa)

Đối với một số cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ trên mạng xã hội, căn cứ nào để có thể đảm bảo việc thu thuế công bằng?

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì, cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh, có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, quy định của pháp luật đã đưa ra tiêu chí sàng lọc, theo đó không thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập không đáng kể. Trường hợp kinh doanh mùa vụ mà đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, vẫn thuộc đối tượng phải nộp thuế.

Ngoài ra, để không bỏ sót những đối tượng có doanh thu cao, thì giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch cần được áp dụng rộng rãi.

Theo Luật sư, cần phải có những giải pháp gì để việc thu thuế đối với người kinh doanh trên mạng xã hội mang lại hiệu quả?

Để việc thu thuế đối với các đối tượng kinh doanh qua mạng được hiệu quả, công bằng, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp dưới đây.

Một là, có sự phối kết hợp giữa cơ quan thuế với các ngành, đơn vị liên quan trong hoạt động quản lý thuế.

Hai là, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế và nghĩa vụ thuế của cá nhân kinh doanh.

Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về thuế, theo hướng:

(i) Hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Mọi tổ chức và cá nhân có hoạt động thanh toán ở giá trị xác định đều được thực hiện thông qua ngân hàng để minh bạch nguồn thu nhập;

(ii) Quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thuế...

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

Thu Sương (Thực hiện)