Lạng Sơn: Cần làm rõ việc bán hàng không rõ nguồn gốc tại bến xe Xuân Cương
Lạng Sơn cần làm rõ việc bán hàng không rõ nguồn gốc tại bến xe Xuân Cương

Khoản 13, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. 

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm: Thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan, theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tầng 1, bến xe nội địa của Công ty CP hữu nghị Xuân Cương hiện có 2 cửa hàng giới thiệu, bày bán các sản phẩm thảo dược, bảo vệ sức khỏe như: nhung khô lát - được quảng cáo là bồi bổ thận dương, tăng cường cơ bắp, có tác dụng tốt điều trị chứng vô sinh nam, nữ, điều trị chóng mặt, ù tai, đau thắt lương, chân, băng huyết; thận nguyên quả - được giới thiệu là bắt nguồn từ khu vực Đông Nam Á - là nguyên liệu chính của Viagra, có tác dụng tốt đối với chứng đau tuyến tiền liệt, đau thắt lưng do thận yếu, bổ thận và tăng cường sinh lý; long nhãn (dùng cho người mệt mỏi, phục hồi tinh thần); thiết bì thạch học, vải khô…

Tất cả các sản phẩm hàng hóa trên được bày bán không có bao bì đóng gói, không rõ nguồn gốc xuất xứ... có dấu hiệu là hàng hóa vi phạm.

Để làm cơ sở đánh giá chất lượng của hàng hóa được bán tại đây, phóng viên đã mua một số sản phẩm tại cửa hàng. Qua quan sát bằng mắt thường, các chuyên gia nhận định, nhung khô lát có dấu hiệu là hàng giả, không bảo đảm chất lượng; giá thành bán cao hơn gấp nhiều lần thực tế của các sản phẩm này (?!).

Sản phẩm nhung khô lát không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tại cửa hàng
Sản phẩm nhung khô lát không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán tại cửa hàng

Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Công ty CP hữu nghị Xuân Cương qua điện thoại để tìm hiểu, làm rõ vấn đề, vị này cho biết:

“Những cửa hàng trên vừa được doanh nghiệp cho đơn vị khác thuê lại để bán hàng hóa, phục vụ hành khách nội địa và khách du lịch trong và ngoài nước. Việc các cửa hàng bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm như báo chí phản ánh, doanh nghiệp không nắm được thông tin và sẽ cho rà soát, kiểm tra; nếu phát hiện sai phạm, công ty sẽ có giải pháp cụ thể, thậm chí có thể dừng việc cho thuê cửa hàng”…

Sản phẩm thận nguyên quả
Sản phẩm thận nguyên quả, được ghi thông tin sơ sài

Tiếp tục liên hệ, làm việc với ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn), phóng viên được biết, cửa hàng kinh doanh hàng hóa trên do Công ty TNHH Bách Thảo Đường (địa chỉ phố Kim Bảng, phường Hương Mạc, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), do bà Nguyễn Thị Trang là người đại diện pháp luật, thuê lại của Công ty CP hữu nghị Xuân Cương, để kinh doanh hàng hóa.

Ông Trần Duy Hiệu cho biết, đoàn liên ngành của huyện Cao Lộc vừa tiến hành kiểm tra và phát hiện các cơ sở trên kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, giấy tờ công bố chất lượng về hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa…

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng chưa xuất trình được các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của một số loại hàng hóa; đoàn liên ngành đã thực hiện ký cam kết, tuyên truyền, yêu cầu công ty trên phải bảo đảm, thực hiện kinh doanh hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật; lực lượng chức năng đã yêu cầu công ty cung cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa trong tháng 11/2023. Nếu các cơ sở trên tiếp tục vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý, theo đúng quy định của pháp luật.

Thiết bì thạch học
Sản phẩm thiết bì thạch học bày bán tại cửa hàng

Ông Phùng Văn Ba, Phó chi Cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, bến xe khách nội địa Công ty CP hữu nghị Xuân Cương, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại và trao đổi văn hóa giữa 2 nước.

Qua thông tin phản ánh của cơ quan báo chí, với vai trò là lực lượng chức năng phối hợp quản lý trên địa bàn, đơn vị sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ phối hợp các lực lượng chức năng liên quan xử lý nghiêm, theo đúng quy định của pháp luật…

Sản phẩm long nhãn
Sản phẩm long nhãn

Để bảo đảm việc kinh doanh đúng quy định, bảo vệ quyền lợi chính đáng, sức khỏe của người tiêu dùng và hình ảnh, uy tín, thương hiệu doanh nghiệp, đề nghị Công ty CP hữu nghị Xuân Cương, các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn cần vào cuộc kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm (nếu có), bảo đảm môi trường kinh doanh văn minh, đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc, là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa, do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, thì các hành vi kinh doanh hàng hóa không có nhãn; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc hoặc bị thay đổi; có nhãn, kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; gian lận về thời hạn sử dụng; hàng hóa đã quá hạn sử dụng… sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, sẽ được áp dụng kể cả trong trường hợp vi phạm lần đầu.

PV