Tham dự họp có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo sở, ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 có 70.500 người tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cơ cấu, ngành nghề đào tạo đã bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nổi bật đã chuyển hướng mạnh đào tạo từ cung sang cầu thị trường lao động. Tổng số ký kết với trên 250 doanh nghiệp đào tạo, tuyển dụng cung ứng trên 15 ngàn lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Chất lượng lao động ngày càng được nâng cao, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% năm 2020; lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 25,6%.
Về công tác lao động và việc làm, trung tâm dịch vụ việc làm đã kết nối, giao dịch việc làm với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Tổ chức 191 phiên giao dịch việc làm với trên 650 lượt doanh nghiệp và trên 25 ngàn lượt lao động được tư vấn tuyển dụng. Giai đoạn 2016 - 2020 đã giải quyết việc làm cho 65.970 người/60.000 lao động đạt 110% kế hoạch Đề án và đạt 120% mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ thực hiện đào tạo mới, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 58.000 lao động. Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; tỷ lệ qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 32%. Giải quyết việc làm cho 61.000 lao động, trong đó có 37.000 lao động là người dân tộc thiểu số.
Tại cuộc họp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất cho phép sở phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách đào tạo nghề đối với học viên, sinh viên, lao động, doanh nghiệp… theo hướng khả thi, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao, thiết thực; hỗ trợ đủ ngân sách để nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giáo viên theo Đề án nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; cấp kinh phí hoặc cho ứng trước kinh phí cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các huyện thành phố ký hợp đồng tổ chức các lớp đào tạo nghề, đảm bảo thời vụ, nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; ...
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung vào các nội dung như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động đào tạo nghề; Công tác điều tra, khảo sát, dự báo về nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm; chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động...
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác này, Chủ tịch yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ là cơ quan chủ trì tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động phù hợp với đặc thù của địa phương và nhu cầu phát triển chung của xã hội, đảm bảo theo hướng hiện đại hóa, đặc biệt chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp; Các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp thực hiện đào tạo nghề; xây dựng cơ chế liên kết đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp; đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm có trọng tâm, trong điểm, thiết thực và hiệu quả; quan tâm giải quyết việc làm tại chỗ gắn với đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, đối với những khó khăn, vướng mắc về công tác đào tạo nghề và tạo việc làm, tỉnh sẽ luôn đồng hành và quan tâm tháo gỡ kịp thời.
PV