Đạt nhiều kết quả tích cực
Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, Mai Sơn, bên cạnh việc chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP. Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội chú trọng nắm bắt những phương thức sản xuất kinh doanh mới, nhất là các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số để có những đề xuất về chính sách và phương pháp quản lý hiệu quả, qua đó mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế.
Đơn vị đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử như:
Nhận diện mô hình hoạt động, dòng tiền của các hoạt động thương mại điện tử để thực hiện phân loại các nhóm đối tượng quản lý và xác định biện pháp cụ thể đối với từng nhóm.
Triển khai đồng bộ các phương án xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển để thu thập cơ sở dữ liệu, thực hiện phân tích, phân loại người nộp thuế vào từng nhóm đối tượng để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.
Triển khai các biện pháp tuyên truyền về chính sách thuế, thủ tục đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế; hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của mình theo quy định.
Thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với một số trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trọng điểm…
Theo Cục Thuế Hà Nội, năm 2021, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng (chiếm 6% tổng thu và 10% thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh).
Bên cạnh đó, với những giải pháp được triển khai đồng bộ đã giúp đơn vị này quản lý chặt chẽ, đầy đủ đối tượng nộp thuế và góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (khoảng 110 tỷ đồng), cụ thể.
Nhóm có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (google, facebook,…), Cục Thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân, có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài với số thuế đã nộp năm 2021 là 56 tỷ đồng.
Nhóm kinh doanh bán hàng trực tuyến (online), đơn vị đang quản lý dữ liệu của 32.085 địa chỉ bán hàng online qua thu thập thông tin từ trung gian vận chuyển, trong đó 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu/năm. Cục thuế đã tiến hành rà soát đưa vào quản lý 1.332 người nộp thuế với số nộp 12 tỷ đồng.
Nhóm kinh doanh cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng, đơn vị quản lý dữ liệu 756 chủ cơ sở với 2.307 địa chỉ cho thuê nhà qua ứng dụng thu thập từ trung gian cho thuê nhà, trong đó có 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, doanh thu ước 10 tỷ đồng.
Nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài, Cục Thuế đã thu thập và quản lý dữ liệu phát sinh chi trả cho các nhà thầu nước ngoài của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả khoảng 46 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (sendo, lazada, shoppe..), điều hành các app trung gian thanh toán, app trung gian vận chuyển, Cục Thuế Hà Nội hoàn thành kiểm tra 6 doanh nghiệp, với tổng số tiền truy thu, phạt 1,9 tỷ đồng…
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Cục trưởng Mai Sơn nhấn mạnh, phát huy những kết quả đạt được năm 2021, Cục Thuế Hà Nội xác định những nhiệm vụ trọng tâm sẽ triển khai trong năm 2022, đó là.
Triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND TP. Hà Nội, trong đó có các gói hỗ trợ và giải pháp điều hành, thông tin tuyên truyền tới từng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, công tác quản lý nợ. Tập trung phân loại hồ sơ nợ, cương quyết thu hồi nợ thuế theo quy định.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Hà Nội xác định làm tốt công tác rà soát, phân tích, đánh giá kỹ dữ liệu người nộp thuế, hồ sơ khai thuế để xác định chính xác các trường hợp rủi ro; tập trung thanh tra kiểm tra theo chuyên đề với các lĩnh vực rủi ro cao về thuế như thương mại điện tử, giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, hoàn thuế…, đơn vị áp dụng phương thức điện tử trong quá trình thanh tra kiểm tra.
Trong công tác kê khai kế toán thuế, đơn vị xác định đây là bộ phận quản trị hệ thống dữ liệu và cung cấp thông tin cho hầu hết các bộ phận của cơ quan thuế, cần tiếp tục thực hiện việc thu thập thông tin, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu (năm 2021, đơn vị tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử, hoàn thuế, tài khoản ngân hàng làm nền tảng cho công tác nợ, thanh kiểm tra và chống thất thu…).
Tiếp tục rà soát các quy trình quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động quản lý thuế, trong giải quyết thủ tục hành chính thuế và quản lý nội ngành.
Song song với việc triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin của ngành, Cục Thuế Hà Nội chủ động nghiên cứu, xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn, hướng tới chuyển đổi số một cách toàn diện.
Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ thuế điện tử (đặc biệt đối với hộ, cá nhân kinh doanh), hoá đơn điện tử. Tính đến ngày 21/12/2021, Cục Thuế Hà Nội đạt tỷ lệ số doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử 90,5% (hoàn thành 113,1% mục tiêu Tổng cục Thuế giao trước 10 ngày).
Tiếp tục quản lý chặt chẽ, đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số để có những đề xuất xây dựng chính sách phù hợp (tỷ lệ thu, quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp); không ngừng cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu…
Nguyễn Kiên