Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch theo Luật Quốc tịch có hiệu lực từ 1.7.2009.
Trả lời báo chí, LS Huỳnh Công Thư cho biết về nguyên tắc, công dân chỉ được mang một quốc tịch. Trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch. Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.
Bà Vũ Thụy Hồng Ngọc mang 2 quốc tịch Việt Nam và Mỹ
Như vậy, các chủ thể trên được quyền có hai quốc tịch được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Đây là điểm mới được qui định trong Luật quốc tịch năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01.7.2009. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại.
Quyền và nghĩa vụ của công dân có hai quốc tịch được pháp luật ghi nhận như thế nào? LS Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, khi cho phép công dân mang hai quốc tịch, một mặt phải đảm bảo về quyền lợi cho người đó được hưởng đầy đủ quyền công dân của cả hai bên, đất nước quê hương và đất nước sở tại. Mặt khác, khi chấp nhận tình trạng hai quốc tịch thì quốc gia đó có trọng trách phải đối mặt với những rắc rối do xung đột về pháp lý giữa hai nước (nếu có) là vấn đề phức tạp, quyền lợi của công dân mang hai quốc tịch trong hoàn cảnh này rất khó giải quyết triệt để.
Theo LS Công, nghĩa vụ tuân thủ pháp lý của chính công dân mang hai quốc tịch buộc họ phải có trách nhiệm thực hiện sao cho phù hợp với quy định của mỗi quốc gia để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích lâu dài, việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý không giống nhau sẽ không tránh khỏi sự lúng túng. Ví dụ như nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế hay các nghĩa vụ liên quan đến an ninh, chính trị, nghĩa vụ bị hạn chế do sự khác biệt quy định về độ tuổi trong một số lĩnh vực kinh doanh…
“Với quy định của văn bản pháp luật hiện hành, Việt Nam cũng bắt kịp xu hướng quốc tế, vừa cố gắng giữ nguyên tắc một quốc tịch, vừa có ngoại lệ cho phép công dân có hai quốc tịch. Bên những cạnh khó khăn chung đã đề cập, quy định linh hoạt của Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho người nước ngoài, công dân quốc tế có cơ hội hòa nhập với cộng đồng Việt Nam. Tạo điều kiện cho người Việt Nam đang định cư nước ngoài duy trì được quốc tịch gốc song song với quốc tịch mới, vừa có cơ hội gắn kết với cội nguồn dân tộc, vừa được hưởng chính sách đãi ngộ của hai quốc gia mà họ được công nhận quốc tịch và các quyền lợi hợp pháp khác. Hơn nữa, với cơ chế áp dụng nguyên tắc một quốc tịch có ngoại lệ này, nguyện vọng hồi hương của người Việt Nam xa xứ cũng vô cùng thuận lợi”, LS Công nhấn mạnh.
Trường hợp người có 2 quốc tịch, nếu phạm tội sẽ xử thế nào? LS Thư khẳng định người có hai quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam. Nếu họ vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng bị xử lý như người có một quốc tịch. Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ xác định hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc có liên quan đến bất cứ giai đoạn nào của hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì thuộc sự điều chỉnh của BLHS, bất luận đó là người nước ngoài, không quốc tịch, song tịch hay chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam mà thôi.
Đồng tình với quan điểm trên, LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhấn mạnh, theo khoản 1 Điều 5 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, người mang 2 quốc tịch hoặc người nước ngoài nếu phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn bị xử lý theo quy định BLHS và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng nhấn mạnh, công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài liên quan đến vụ án hình sự thì quy trình tố tụng tuân theo Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam và xác định tội danh, khung hình phạt sẽ dựa trên các căn cứ của BLHS Việt Nam. Cơ quan có thẩm quyền được toàn quyền thực hiện quy định của pháp luật mà không bị bất cứ trở ngại nào liên quan đến vấn đề quốc tịch thứ hai của người phạm tội. Và họ không có quyền lựa chọn quốc tịch áp dụng trong trường hợp liên quan đến vụ án hình sự tại Việt Nam.
Bảo Ngọc T/h