Theo tìm hiểu, hiện Nhà sách Trí Đức có các kênh truyền thông chính, gồm trang web mang tên: https://nhasachtriduc.vn/ nhưng hiện đang được bảo trì; trang Facebook “Nhà sách Trí Đức - An Khánh” dành riêng cho khách hàng thuộc khu vực Hoài Đức, Hà Nội.
Nhà sách Trí Đức là đơn vị liên kết xuất bản, mua bán bản quyền tác phẩm và phát hành sách, thuộc công ty Đầu tư và phát triển Văn hóa Việt - Trí Đức Books. Bên cạnh đó, tại đây còn bày bán thêm các loại mặt hàng như đồ văn phòng phẩm, đồ dùng cá nhân: bình nước, chun tóc, kẹp tóc, gương, dây, cùng đồ chơi các loại;… và còn sở hữu một khu vui chơi trẻ em trên 2000m2, với đông đảo lượt khách ghé thăm mỗi ngày.
Hàng hóa, đồ chơi trẻ em “trắng thông tin”
Ngày 03/11, “mục sở thị” nhà sách Trí Đức - An Khánh, phóng viên ghi nhận tại đây đang bày bán nhiều sản phẩm như đồ chơi trẻ em, giày dép, đồng hồ, dụng cụ học tập… Các hàng hóa được bày bán tại Nhà sách Trí Đức - An Khánh cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều hàng hóa nước ngoài được bày bán tại Trí Đức cơ sở An Khánh lại chưa chuẩn chỉnh, vi phạm quy định tem nhãn. Việc này gây ra khó khăn cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm an toàn, những cảnh báo tới người sử dụng của sản phẩm bởi đối tượng khách hàng chủ yếu tại đây là trẻ nhỏ, học sinh.
Phóng viên đã đến ghi nhận tình hình tại Nhà sách Trí Đức - An Khánh, thực tế nhiều mặt hàng văn phòng phẩm, đồ lưu niệm, đồ chơi, dép trẻ em,... có nhãn gốc ghi “made in China, made in Taiwan…” nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Tại Nhà sách Trí Đức An Khánh, nhiều đồ chơi dành cho trẻ em có chữ nước ngoài nhưng nhãn phụ lại thiếu thông tin hoặc thông tin không rõ ràng.
Cụ thể, như sản phẩm Bảng vẽ cho bé, dù được ghi rõ là “Made in China” với loạt tiếng Trung và Anh trên bao bì nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt thể hiện đầy đủ thông tin như quy định. Có chăng cũng chỉ là một dòng chữ có nội dung: tên sản phẩm, xuất xứ: Trung Quốc, ngoài ra không còn thông tin nào khác.
Chị K.H khách hàng tại nhà sách cho hay: “Đây thực chất chỉ là tem nhãn của cửa hàng để tiện việc check sản phẩm thanh toán, chứ không phải là nhãn phụ Tiếng Việt đúng quy định đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Cũng theo chị K.H con chị rất thích chơi sản phẩm đồ chơi Slime nhiều màu sắc, bằng chất dẻo có thể kéo, nặn được rất nhiều hình dạng mua tại nhà sách Trí Đức An Khánh, nhưng khi chị xem lại bao bì hộp Slam thì chỉ toàn tiếng Trung Quốc với màu sắc lấp lánh ánh nhũ, chị K.H lo sợ không biết thành phần trong Slime đó có ảnh hưởng tới sức khoẻ của các con chị hay không?
Hay như sản phẩm đồ chơi đàn organ, Slime, bộ đồ chơi nấu ăn… trên bao bì gốc toàn tiếng Trung, nhưng Trí Đức không cung cấp bất cứ tem nhãn phụ nào trên sản phẩm. Khi đối tượng chính của sản phẩm này là trẻ em, việc không có thông tin cảnh báo, nguồn gốc xuất xứ khiến nhiều phụ huynh cảm thấy e ngại.
Nhiều loại đồ chơi cho bé toàn tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn cụ thể bằng tiếng Việt về nguồn gốc, xuất xứ hay quy cách sử dụng, cảnh báo… Liệu rằng những sản phẩm trên có đủ an toàn để trẻ em sử dụng?
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải có tên sản phẩm, trên bao bì phải in xuất xứ rõ ràng tên, địa chỉ nơi chịu trách nhiệm về chất lượng đồ chơi. Nếu sản xuất trong nước thì sản phẩm phải đề thông tin công ty sản xuất; nếu là hàng nhập khẩu thì ghi thông tin nhà nhập khẩu.
Theo QCVN 3:2019/BKHCN nêu rõ, đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của Quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.
Đối với đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN.
Đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định thường có nguy cơ được sản xuất từ nhựa tái chế, bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (Phthalic Acid Esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Nếu trẻ ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần.
Một số sản phẩm là đồ lưu niệm, đồ trang trí nhà cửa, đồ dùng cá nhân như tất, chun buộc tóc, kẹp tóc, cũng rơi vào trạng thái "trắng" nhãn khiến người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, cách sử dụng cũng như những cảnh báo với sản phẩm.
Quy định của pháp luật chỉ rõ
Trong khi đó, pháp luật đã có những quy định cụ thể về tem nhãn hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả, có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đề nghị, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan xác minh, kiểm tra và xử lý những sai phạm (nếu có) của Nhà sách Trí Đức - An Khánh nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh.
Kinh doanh hàng hoá không có hóa đơn chứng từ Nhà sách Trí Đức 15 Tố Hữu bị phạt tiền và tiêu huỷ hàng hoá vi phạm
Hồi đầu tháng 9/2023, sau khi Thương hiệu & Công luận có bài viết phản ánh về tình trạng hàng hóa nước ngoài, nhưng không có tem nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... được bày bán tại Nhà sách Trí Đức 15 Tố Hữu (Hà Nội), Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, ra quyết định phạt hành chính, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm tại nhà sách trên.
Sau bài viết phản ánh: "Nhà sách Trí Đức 15 Tố Hữu (Hà Nội): Bán hàng hóa nước ngoài nhưng tem nhãn phụ không đúng quy định", ngày 4/7/2023, trên Thương hiệu & Công luận, sau khi tiếp nhận thông tin, Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra cơ sở trên, bước đầu xác định là có vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Về hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan đến mặt hàng là đồ chơi trẻ em: Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển văn hóa Việt đang bày bán mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em là hàng hóa nhập khẩu, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Số hàng hóa trên không cùng lô sản xuất, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng, không dán tem hợp quy.
Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 7.445.000 đồng.
"Ngày 15/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 12 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển văn hóa Việt về hành vi "Kinh doanh hàng hóa nhập lậu" (đồ chơi trẻ em) tổng số tiền 6.000.000 đồng nộp vào ngân sách nhà nước; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm", Cục QLTT Hà Nội thông tin.
Khánh Yên - Hồng Nhung