Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều lý do nên dự án vẫn... nằm trên giấy nhiều năm qua. Mặc dù người dân tại đây vẫn ngày đêm mong ngóng...
Bức bách vì kẹt xe
Đoàn người nối đuôi nhau, kẹt cứng tại cầu Chà Và giờ tan tầm
Hiện nay, các phương tiện lưu thông từ khu trung tâm ra khu vực ngoại thành phía nam Sài Gòn (quận 7, quận 4, quận 8, huyện Bình Chánh…) và ngược lại, bị ngăn cách bởi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ. Trong đó, những trục cầu như cầu Chà Và, cầu chữ Y, Nhị Thiên Đường… là tuyến đường huyết mạch.
Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tại khu vực phía nam những năm qua rất nhanh, đã gây ra ùn tắc trên các cây cầu và tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi lần đi qua đây, nhất là vào giờ cao điểm.
Đơn cử, cầu Chà Và nằm gần cuối kênh Tàu Hủ, kết nối giữa quận 5 và quận 8 nên luôn có mật độ xe cộ qua lại cao. Mỗi khi vào giờ cao điểm thì các phương tiện muốn đi qua đây phải nhích từng mét. Mặc dù lúc đó có sự góp mặt của cảnh sát giao thông để hướng dẫn, phân luồng, nhưng gần như tình hình không mấy khả quan.
Tắc nghẽn tại cầu Nguyễn Văn Cừ kéo dài do bị chặn bởi ngã tư Trần Hưng Đạo (Q.1)
“Càng về chiều, lượng xe đi từ phía quận 5 đi qua cầu để về hướng quận 8 càng đông. Nhưng vướng một chỗ, muốn đi tiếp về hướng cầu Nhị Thiên Đường thì khi hết dốc cầu, phải rẽ phải vào đường Cao Xuân Dục, chứ không đi thẳng được. Do vậy, việc lưu thông rất chậm chạp”, bà Nguyễn Thị Hoa, bán hàng gần cầu Chà Và, cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài lượng lớn xe máy, ô tô từ phía quận 8 và huyện Bình Chánh ra vào trung tâm thành phố, thì mỗi ngày đều có hàng trăm chuyến xe buýt lưu thông qua cây cầu, khiến giao thông tại khu vực này càng trở nên “ngột ngạt”.
Đối với cầu Nguyễn Văn Cừ, cũng thường xuyên xảy ra cảnh “rồng rắn lên mây” vào giờ cao điểm. Bởi dưới chân cầu (phía quận 1) có tuyến đường Trần Hưng Đạo cắt ngang. Do vậy, dòng xe lưu thông qua đây bị chặn đứng tại giao lộ này và kéo dài tới giữa cầu.
“Nhà tôi ở bên quận 8, nhưng làm việc tại quận 1, phải đi qua cây cầu này. Để không muộn giờ thì ngày nào tôi cũng phải đi làm từ rất sớm. Vì tại đây thường xuyên bị kẹt ở dưới chân cầu”, anh Nguyễn Trọng Hòa chia sẻ.
Dự án 7 năm... nằm trên giấy
Để giải bài toán ùn tắc khu nam Sài Gòn, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ với hàng loạt dự án nghìn tỷ, như: Mở rộng tuyến đường nối quận 4, quận 7 và Nhà Bè (hơn 9.400 tỷ đồng); cầu dây văng Thủ Thiêm 4 (hơn 5.200 tỷ đồng)…
Giao thông tại chân cầu Chữ Y luôn trong tình trạng hỗn loạn
Trước đó, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên đã được UBND TP. HCM chấp thuận cho Tổng công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) với tổng mức đầu tư lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo thiết kế trước đây, cầu Bình Tiên dài khoảng 3,2 km (bao gồm cả đường dẫn), rộng 30 – 40 m với 4 làn xe trên tuyến chính và các đường hai bên. Điểm đầu kết nối với đường Phạm Văn Chí, băng qua Đại lộ Đông – Tây, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi; điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Văn Linh. Cầu nằm cách QL 50 khoảng 600 m về phía cầu Bà Lớn, huyện Bình Chánh.
Dự án được kỳ vọng, sau khi hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản nạn ùn tắc trên hướng đi từ trung tâm qua khu Nam. Đồng thời, giảm áp lực giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương…
Theo kế hoạch, dự án cầu đường Bình Tiên được khởi công năm 2011 và hoàn thành năm 2014.
Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí vốn ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án đành phải “đắp chiếu” nhiều năm qua.
Cũng từng ấy thời gian, người dân ở đây luôn mong ngóng, chờ đợi ngày cây cầu... “hiện hình”. Nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy!
Trao đổi với phóng viên, chủ cửa hàng tạp hóa tại huyện Bình Chánh cho biết, từ ngày nghe nói thành phố sắp khởi công xây dựng cầu mới, người dân háo hức chờ đợi. Bởi mỗi khi muốn vào trung tâm thành phố thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm. Hơn nữa, giao thông đi lại khó khăn nên việc kinh doanh, buôn bán tại khu vực vùng ven này cũng kém phát triển.
Xe cứu thương hú còi xin đường trong vô vọng, giữa “biển xe” tại đường Nguyễn Văn Linh
“Ngày dự kiến khởi công cây cầu thì cháu tôi mới bắt đầu học cấp I. Bây giờ, nó đã sắp hết cấp II rồi mà tôi vẫn chưa biết hình thù cây cầu như thế nào”, bà Huyền nói.
Giấc mơ của hết thảy người dân chưa bị lãng quên. Vừa qua, UBND TP. HCM đã giao UBND quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh triển khai thực hiện công tác đền bù giải tỏa mặt bằng để triển khai dự án. Việc đàm phán với các nhà đầu tư theo hợp đồng BT, đang vào giai đoạn cuối và chuẩn bị triển khai thi công.
Được biết, sau 7 năm dự án cầu đường Bình Tiên... nằm trên giấy, tới nay mới được tái khởi công thì tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 3.500 tỷ đồng.
Tiên Minh