Bài 17: Sơn La - sức hút thảo nguyên xanh

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh Sơn La tiếp tục khẳng định là điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng Tây Bắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế…

Thành phố Sơn La

Mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách du lịch

Từ đầu năm đến nay, các hoạt động dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng phục vụ.

Công tác phát triển sản phẩm du lịch, tiếp tục triển khai các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; đồng thời Sơn La tích cực thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực, góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến.

Thành phố Sơn La

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá du lịch nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Sơn La đến với du khách với điểm nhấn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đưa các hoạt động du lịch lên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, độ lan tỏa cao.

Đồng thời, tỉnh tổ chức nhiều sự kiện du lịch kết nối với văn hóa trong 9 tháng, như:

Tổ chức thành công các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; công bố Quyết định của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; tổ chức Ngày hội du lịch văn hóa Sơn La - Hủa Phăn năm 2024” tại tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào); ban hành Kế hoạch tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024, Kế hoạch hoạt động hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây bắc mở rộng và TP. HCM năm 2024; công nhận 2 điểm du lịch cấp tỉnh.

Cảnh đẹp cao nguyên Tây Bắc

Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2024, các khu, điểm du lịch Sơn La đã đón trên 3,8 triệu lượt khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu ước đạt khoảng 4.565 tỷ đồng.

Năm 2024, Sơn La đặt ra mục tiêu đón khoảng 5,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phấn đấu doanh thu đạt trên 5.500 tỷ đồng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh đã và đang có nhiều chính sách thúc đẩy du lịch, dựa trên tiềm năng, lợi thế của mình - tạo nên sức hút với du khách; chú trọng đẩy mạnh công tác liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu các giải pháp vừa tiếp tục giữ được các thị trường khách truyền thống, vừa hướng tới các thị trường khách ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và thị trường khách nước ngoài.

Các sản phẩm du lịch thường xuyên được duy trì và đổi mới, công tác quảng bá bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua các hội nghị xúc tiến, trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội lan tỏa, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, du lịch số nhằm phát triển bền vững với sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của tỉnh Sơn La.

Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch vùng Tây Bắc

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh, cho biết:

“Thời gian tới, Sơn La sẽ đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; ưu tiên các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Sơn La không ngừng nâng cao vị thế ngành du lịch - đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước xây dựng Sơn La trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc”.

Theo đó, nhiều quy hoạch được lập và triển khai phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như:

Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch chung và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; quy hoạch vùng liên huyện dọc Quốc lộ 6; quy hoạch vùng dọc lòng hồ sông Đà; quy hoạch phân khu - Khu bảo tồn hệ sinh thái nông nghiệp đặc trưng huyện Mộc Châu; quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Tà Xùa và các vùng phụ cận; quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Đèo Pha Đin...

Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, giai đoạn 2021 – 2025, bố trí trên 1.149 tỷ đồng cho 14 dự án. Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, toàn tỉnh thu hút 13 dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, số vốn đăng ký 14.515 tỷ đồng.

Nhiều dự án du lịch, khu du lịch có quy mô, hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế hình thành và đi vào hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch được hình thành, phát triển gắn với sinh thái, nông nghiệp và văn hóa.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, thông qua những dự án đó, người dân Sơn La, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có cơ hội phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sơn La tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm; tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 6 (đoạn qua TP. Sơn La); cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, các tuyến quốc lộ…

Đến tháng 10/2024, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu chính thức được công nhận theo quy định của Luật Du lịch; 3 năm liên tiếp được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Traval Awards) bình chọn là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á”; 2 năm liên tiếp được bình chọn “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”.

Vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, được đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045…

Mộc Châu - điểm đến hấp dẫn khu vực miền Bắc

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 200 km (4 tiếng di chuyển bằng ô tô), Mộc Châu từ lâu đã được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực miền Bắc, đặc biệt vào mùa hoa mận dịp đầu năm.

Mộc Châu có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, thời tiết ôn hòa, quanh năm có hoa trái. Mộc Châu mùa nào cũng đẹp.

Tháng 1, cao nguyên có màu xanh của những đồi chè nảy lộc, hoa đào, hoa mận, hoa mơ, hoa mai anh đào...

Từ giữa tháng 5, mận bắt đầu chín rộ, người dân vào vụ thu hoạch mận, đổ bán cho các thương lái miền xuôi.

Mùa hè không có hoa, cũng không phải mùa dâu tây, nhưng nơi đây lại rất thích hợp để dã ngoại bởi không khí trong lành và nhiều hoạt động ngoài trời.

Du lịch Mộc Châu

Mộc Châu, mùa hồng chín, bắt đầu từ tháng 8 - 12 hằng năm. Trong đó, mùa hồng giòn thường có sớm hơn, từ tháng 8 - 10, còn từ tháng 10 đến cuối năm là mùa của hồng chát.

Mùa cải trắng ở Mộc Châu, bắt đầu vào tháng 11. Tháng 12, hoa dã quỳ vàng rực rỡ tô điểm cho cao nguyên.

Thác Chiềng Khoa: Cảnh đẹp hoang sơ. Để xuống thác, du khách sẽ đi theo một con đường đất, sau đó đến đoạn bậc thang, dốc như dựng đứng của trạm bơm nước gần đó. Người dân ở đây làm thêm bè cho thuê để du khách chụp ảnh hay chơi đùa thay vì chỉ chụp trên bờ.

Khách sạn Mộc Châu - Sơn La

Thác Nàng Tiên: Gồm 3 tầng, mỗi tầng một vẻ đặc trưng riêng. Cảnh sắc tầng 1 hiền hòa, có hồ nước sâu ngang hông người lớn, du khách có thể xuống tắm. Lên tầng thác thứ hai, du khách phải men ngược dòng nước, tuy hơi khó đi, nhưng thành quả sẽ là những bức ảnh độc đáo - bên phông nền là thác đổ xuống hồ, nước xanh như ngọc. Mùa đẹp nhất để ghé thăm thác Nàng Tiên là từ tháng 3 - 5, khi tiết trời giao mùa từ xuân sang hè.

Làng Nguyên Thủy: Ngôi làng là điểm đến mới của Mộc Châu nên ít người biết. Làng nằm tại thung lũng Hang Táu, bản Tà số 2, xã Chiềng Hắc, có phong cảnh rất đỗi hoang sơ, nguyên thủy như tên gọi. Ngôi làng có 15 hộ dân sinh sống, nuôi thả tự do các loại trâu, bò, lợn, gà ở các bãi đất trống, nhưng có chia theo ô hay từng khu.

Mộc Châu Happly Land Sơn La

Đỉnh Pha Luông: Cách thị trấn Mộc Châu 30 km, đỉnh Pha Luông được ví như nóc nhà của Mộc Châu, nằm giữa biên giới Việt - Lào. Từ Đồn biên phòng Pha Luông ở chân, lên tới đỉnh núi, phải mất 3 - 4 tiếng đi bộ. Pha Luông cao hơn 2.000 m. Quãng đường chinh phục Pha Luông khá khó, đòi hỏi sự kiên trì của người muốn khám phá thực sự. Nơi đỉnh núi chênh vênh, bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp của mây trời lộng gió.

Thung lũng mận Mu Náu: Đầu tháng 5, mận đã ra quả khá to, chín đều, Vào vườn mận, bạn được tham quan, hái quả và chụp hình.

Vườn hoa hướng dương: Nằm sâu trong thung lũng - điểm check-in mới ở Mộc Châu. Những ngày đầu tháng 5, hoa mới bắt đầu chớm nở, nhưng chỉ sau 1 tuần, hoa sẽ nở rộ - điểm chụp hình rất đẹp…

Hang Dơi Mộc Châu

Các quán ăn, nhà hàng, nằm dọc theo trung tâm thị trấn, đoạn Quốc lộ 6 chạy qua. Ngoài các đặc sản như mận, trà hay sữa, Mộc Châu còn nổi tiếng là nơi ẩm thực ngon. Những món ăn không thể bỏ qua khi tới đây là bê chao, cá suối rán, cá lăng đủ món, lẩu cá hồi, thịt bê sữa, thịt trâu gác bếp, rau chấm nước sốt lòng cá hay cơm ngũ sắc.

Món ăn lạ miệng nên thử là lẩu sữa tươi Mộc Châu. Nước dùng được ninh từ xương và các loại rau củ, một lượng sữa vừa phải, được thêm vào sao cho có đủ màu trắng sữa và vị thơm dịu, thêm ngô cho ngọt. Khi lẩu bắt đầu sôi, lớp sữa phía trên bắt đầu đóng váng, có vị béo và thơm. Đây cũng là lúc nước lẩu ngon nhất.

Trong mấy năm trở lại đây, Mộc Châu còn nổi tiếng là nơi tạo ra dâu tây có chất lượng không thua kém Nhật Bản hay Hàn Quốc, do trồng bằng công nghệ Nhật.

Du lịch Mộc Châu

Mùa đông, sẽ là mùa thu hoạch dâu tây tại các trang trại với những khu vườn ngập dâu chín đỏ mọng, vị chua ngọt thanh mát và nếu ăn kèm với sữa chua Mộc Châu, thì rất dễ gây “nghiện”…

khám phá top 8 địa điểm du lịch

Ngũ động bản Ôn huyền bí

Nếu bạn đam mê - yêu thích vận động, hãy thử khám phá ngũ động tại bản Ôn. Đây là hệ thống gồm 5 hang động, được người dân địa phương phát hiện lần đầu tiên vào năm 2006. Vì tại đây, chưa có nhiều dịch vụ du lịch nên những hang động vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí.

Bên trong hang, được điểm xuyến bởi những khối đá nhũ thạch khổng lồ với hình thù độc đáo. Để khám phá quần thể hang động này, bạn sẽ phải dành khoảng 1 ngày để trekking theo con đường mòn dẫn vào hang. Khung cảnh ven đường, cũng rất nên thơ với ruộng nương và những vạt hoa dại.

Rừng thông bản Áng

Từ thị trấn Mộc Châu, bạn chỉ cần di chuyển thêm khoảng 2 km để đến rừng thông bản Áng. Khu rừng có tổng diện tích lên đến 43 ha với bầu không khí trong lành và khung cảnh thông xanh trập trùng, trông rất mát mắt.

Bạn có thể trải nghiệm cắm trại qua đêm tại rừng thông bản Áng để thỏa sức hít thở khí trời se lạnh và đón bình minh. Bên cạnh khu cắm trại, bạn còn có cơ hội tìm hiểu quy trình trồng dâu và tự tay thu hoạch dâu tây khi vào mùa (khoảng tháng 4 - 11 hằng năm).

Thác Dải Yếm

Thác Dải Yếm được ví như bảo vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Sơn La. Thác còn có tên gọi khác là thác Nàng, vì gắn liền với truyền thuyết cô gái đã dùng dải yếm của mình để cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ dữ.

Thác cao hơn 100 m, chia thành 2 tầng chính. Trong đó, tầng thứ nhất có tổng cộng 9 bậc, tầng thứ hai có 5 bậc. Vào độ từ tháng 4 - 10 hằng năm, khi lượng nước đổ về nhiều, sẽ tạo nên những dòng chạy mạnh mẽ, tung bọt trắng xóa, rất đẹp mắt.

Khu vực xung quanh thác, có các cây cổ thụ thân to, tán rộng cho bóng mát. Sau khi chụp hình check-in thỏa thích, bạn có thể dành chút thời gian ngồi dưới bóng cây, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác, để tiếng nước xua tan mọi phiền lo trong cuộc sống.

Chinh phục đỉnh Tà Xùa

Đỉnh Tà Xùa với sống lưng khủng long, từ lâu đã nằm trong danh sách của những phượt thủ đam mê khám phá những cung đường Tây Bắc.

Hoạt động nổi bật nhất tại đây là chinh phục con đường nhỏ và hẹp dẫn lên đỉnh Tà Xùa (được mệnh danh là sống lưng khủng long) và săn mây vào lúc sáng sớm. Từ tháng 10 – 4, được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất để săn mây.

Từ trên đỉnh, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ xung quanh với những dải ruộng bậc thang xanh mướt, thấp thoáng xa xa là mái lá khói bếp, tay có thể chạm đến mây trời.

Do đường đi đến đỉnh Tà Xùa khá hiểm trở nên bạn cần chuẩn bị thật kỹ phương tiện di chuyển và đảm bảo tay lái luôn vững vàng.

Nếu chưa có kinh nghiệm phượt, hoặc ngại đi một mình, bạn có thể tham khảo các tour săn mây trên đỉnh Tà Xùa để ghép đoàn và được hướng dẫn viên chỉ dẫn chi tiết.

Hồng Ngài và câu chuyện Vợ chồng A Phủ

Bạn có biết, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được Nhà văn Tô Hoài lấy bối cảnh tại Hồng Ngài (thị trấn Bắc Yên, Sơn La) không? Đây là một bản nhỏ của dân tộc Mông với những nét đẹp mộc mạc, đơn sơn như chính tính cách của con người nơi đây.

Tương truyền, khi xưa thời tiết khắc nghiệt, mất mùa đói kém liên miên, dịch bệnh hoành hành, nhờ Giàng sai thần Hồng Ngài xuống dẹp loạn, giúp đỡ nên người dân mới khôi phục được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cái tên Hồng Ngài cũng từ đó mà ra đời.

Bản Hồng Ngài, lọt thỏm giữa núi rừng hùng vĩ, từ bản, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh vật xung quanh. Nếu yêu thích thiên nhiên, bạn có thể trải nghiệm cảm giác cắm trại để săn mây sáng sớm, kết hợp đón bình minh.

Đặc biệt, vào tháng 8 - 9 hằng năm, khu vực Hồng Ngài luôn thoang thoảng mùi thơm của táo mèo.

Nhà tù Sơn La

Giữa lòng thành phố Sơn La, có ngọn đồi mang tên Khau Cả (Tổ 9, phường Tô Hiệu), nằm soi mình bên dòng suối Nậm La.

Nơi đây, còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà tù Sơn La - chứng minh một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải, giam cầm bởi thực dân Pháp.

Đồi chè Mộc Châu

Mộc Châu, từ lâu đã vang danh với những sản phẩm chè hảo hạng. Do đó, top những địa điểm thăm quan hấp dẫn ở Sơn La, không thể thiếu đồi chè Mộc Châu.

Từ tháng 2 - 12 hằng năm - là khoảng thời gian đồi chè tươi tốt nhất, bạn nên tranh thủ đến tham quan và chụp hình lưu niệm. Sau đó, người dân sẽ thu hoạch, tỉa dọn vườn chè để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Thăm quan đồi chè Mộc Châu, bạn có thể lựa chọn đồi chè khu Đài Loan với tạo hình trái tim độc đáo, hoặc sang các khu Mộc Sương, Tân Lập 1, 2, 3.

Nhà máy Thủy điện Sơn La

Ngày 23/12/2012, tại xã Ít Ong, huyện Mường La (tỉnh Sơn La), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La. Đây là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, gồm 6 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW.

Đặt chân đến đây, bạn sẽ ngỡ ngàng khi chứng kiến công trình đồ sộ mà con người làm nên. Bên cạnh đó, khu vực lòng hồ vẫn giữ được dáng vẻ hoang sơ với không khí trong lành, thoáng đãng.

Từ lòng hồ, xuất phát từ bến Mường Trai, bạn có thể chiêm ngưỡng núi đá hổ, núi bàn tay Phật, núi đá thủng… và khám phá hoạt động nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ với đặc sản nổi tiếng là những chú cá tầm có kích thước khủng.

Tuần Văn hóa du lịch Mộc Châu diễn ra từ ngày 28/8 - 5/9. Với chủ đề “Mộc Châu – Tiếng gọi mùa yêu”, Tuần văn hóa du lịch Mộc Châu năm nay, gồm chuỗi các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đậm đà bản sắc các dân tộc. Theo Ban tổ chức, điểm nhấn của Tuần lễ Văn hóa du lịch Mộc Châu là chương trình nghệ thuật “Đắm say đêm hò hẹn” vào tối 1/9, tại Quảng trường 8/5 trung tâm huyện.

Cùng với đó là chuỗi các hoạt động: Hội chợ kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn năm 2024, quy mô 210 gian hàng, gồm 178 gian hàng thương mại dành cho các DN, HTX, hộ kinh doanh trong nước và 32 gian hàng trưng bày, bán các sản phẩm nông sản tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, huyện.

Hoạt động cộng đồng đường phố, với 200 nghệ nhân, diễn viên trình diễn - trích đoạn lễ hội, biểu diễn dân ca, dân vũ, tấu nhạc cụ dân tộc của các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao huyện Mộc Châu, trên tuyến Quốc lộ 6 và đường nội thị huyện…

Bài sau: Đến Bình Địnhquên lối về

Hương Thủy