Tính đến hiện tại, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, có 98 sản phẩm OCOP. Cụ thể: Có 32 sản phẩm đạt 4 sao và 66 sản phẩm đạt 3 sao; đồng thời, có 2 sản phẩm (sầu riêng Ri 6, sầu riêng sấy thăng hoa của Công ty TNHH 6 Ri) đã đề nghị Hội đồng Trung ương đánh giá phân hạng cấp quốc gia 5 sao.
Thời gian qua, Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm") của tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp chính quyền; công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tốt làm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh hiểu biết và chủ động đăng ký tham gia Chương trình.
Chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó, đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm, vùng nguyên liệu và lao động địa phương; đặc biệt là dịch vụ du lịch, tạo được lợi thế, cơ hội để phát huy và khai thác giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cac sản phẩm OCOP địa phương được đẩy mạnh trên các sàn TMĐT như postmart.vn, ketnoiocop.vn, Bachhoaxanh.com, Voso.vn, Viettel, FPT…
Ngoài ra, việc giới thiệu các sản phẩm OCOP để quảng bá, kết nối giao thương với các siêu thị, Trung tâm thương mại và các công ty, doanh nghiệp tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong nước; tham gia các phiên chợ xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh định kỳ 1 tháng/lần, cũng được tỉnh chú trọng.
Kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2023, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2023 hoàn thiện các hồ sơ và các tiêu chuẩn đạt sản phẩm 4 sao (10 sản phẩm), 3 sao (105 sản phẩm); xây dựng phần mềm số hóa hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP và xây dựng hệ thống truy suất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP (tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP); tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý OCOP các cấp và các cơ sở sản xuất tham gia thực hiện Chương trình OCOP...
Vừa qua, Sở NN&PTNT phối hợp Sở VH-TT&DL, Sở Công Thương tổ chức lễ khai trương các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Các điểm trưng bày naỳ là nhịp cầu gắn kết người sản xuất với người tiêu dùng. Đồng thời cũng là điểm tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Đây được xem là cầu nối gắn kết người sản xuất với người tiêu dùng, tạo tính liên kết giữa các cấp, ngành, địa phương với chủ thể OCOP; hình thành những điểm tham quan, mua sắm sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng cao. Tôi mong rằng các chủ thể OCOP tiếp tục quan tâm đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản để từng bước nâng cao quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường".
Chương trình OCOP phát triển cũng sẽ kéo theo kinh tế địa phương phát triển. Đồng thời, chương trình OCOP còn phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu thị trường gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thông.
Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh hiện nay đang phải đối mặt là quy mô sản xuất hầu hết các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ; việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến còn thấp; nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP bị sụt giảm...
PV