Bến xe khách Sa Pa
Chuyển nhượng dự án đúng luật
Theo thông tin từ chủ đầu tư là UBND huyện Sa Pa và những hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án được biết, chủ đầu tư đang thực hiện đúng với những quyết định do UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt và những quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, Dự án xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa, Bến xe khách thị trấn Sa Pa là Dự án thực hiện xây dựng mới 01 khu đô thị và là công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Sa Pa. Đây là Dự án thuộc danh mục ưu đãi của tỉnh Lào Cai.
Ngày 04/5/2004, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa. Sau khi quy hoạch được thẩm định và phê duyệt, ngày 30/9/2004 Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 2527/QĐ-CT về việc phê duyệt dự án và giao cho UBND huyện Sa Pa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 72.495.000.000 đồng.
Dự án Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa, Bến xe khách thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai sử dụng nguồn vốn theo phương thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng; về cơ chế tài chính áp dụng theo quy định tại Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC, ngày 18/02/2003 của Bộ Tài chính và UBND tỉnh phê duyệt dự án lần đầu tại Quyết định số 477/QĐ-CT, ngày 24/02/2004. Trong thời gian từ ngày 24/02/2004 đến ngày 20/6/2005 do trong quá trình thực hiện có một số nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngành tiến hành rà soát lại toàn bộ dự án và đến ngày 20/6/2005 UBND tỉnh có Quyết định số 1485/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án và quyết định này thay thế các quyết định phê duyệt dự án trước đó. Vì vậy, việc dự án sử dụng nguồn vốn theo phương thức “sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng” đã được UBND tỉnh xác định và lựa chọn nhà đầu tư trước thời điểm Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 có hiệu lực.
Đồng thời, trong giai đoạn này việc đầu tư mở rộng đô thị Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung là rất cần thiết, trong khi đó nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hình thành các khu đô thị còn hạn chế vì tỉnh Lào Cai là một tỉnh miền núi nghèo, giao thông đi lại khó khăn nên từ năm 1999 đến năm 2003, sau nhiều lần UBND tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, công khai dự án tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Lào Cai nhưng hết thời hạn vẫn không có tổ chức, cá nhân nào tham gia, chỉ có Công ty TNHH Cương Lĩnh xin đầu tư Dự án, do đó UBND tỉnh đã có công văn số 84/CV-UB ngày 03/02/2004 đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép Công ty TNHH Cương Lĩnh được đầu tư. UBND tỉnh đã thống nhất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu là phù hợp với quy định tại Điều 3 Quyết định 22/2003/QĐ-BTC.
Năm 2008, Dự án được chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư VIDIFI Lào Cai làm nhà đầu tư (đây là Công ty cổ phần được thành lập từ 02 cổ đông chính và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI 51% và Công ty Cương Lĩnh 30% vốn). Rất nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư Cương Lĩnh không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng thi công các hạng mục nên UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định chuyển dự án cho công ty VIDIFI.
Chợ Sa Pa
Để làm sáng tỏ vấn đề trên, PV đã trao đổi với ông Lê Mạnh Hảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa. Ông Hảo cho hay: “Việc chuyển nhượng Dự án từ Công ty Cương Lĩnh sang Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai được thực hiện đúng trình tự quy định, căn cứ đơn xin chuyển nhượng Dự án của hai Công ty, căn cứ theo đề xuất của các ngành chức năng UBND tỉnh đồng ý cho chuyển nhượng Dự án sang Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI làm Nhà đầu tư mới của Dự án theo quyết định 2404/2008/QĐ-UBND ngày 07/8/2008.
Công ty Cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai có hai cổ đông chính là Công ty TNHH Cương Lĩnh 30% và Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) 51% đây là Tổng Công ty lớn (vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng) được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thành lập với mục đích chủ yếu là đầu tư xây dựng đường Cao tốc Hà Nội Hải Phòng và thực hiện các dự án xây dựng các Khu Công nghiệp, Khu đô thị xung quanh tuyến đường cao tốc này. Ngoài ra, giữa Ngân hàng Phát triển Việt Nam và tỉnh Lào Cai cũng đã có thỏa thuận hợp tác về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực như chương trình 30A và việc thực hiện đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Căn cứ vào năng lực và các điều kiện nói trên của VIDIFI Lào Cai, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) hợp tác cùng Công ty Cương Lĩnh thành lập Công ty cổ phần đầu tư VIDIFI Lào Cai đầu tư dự án Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa. Đây là một hoạt động trong chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam.
Như vậy cho thấy việc chuyển nhượng được thực hiện đúng theo quy định tại điều 17 của Luật Đầu tư năm 2005: “Nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng, điều chỉnh vốn hoặc dự án đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế”.
“Việc chuyển nhượng cũng không làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước cũng như doanh nghiệp, không làm thay đổi thời gian, mục tiêu, nội dung, quy mô, hiệu quả đầu tư tuân thủ đúng theo trình tự và các quy định của pháp luật”. Ông Hảo khẳng định.
Thực chất chỉ là một dự án
Cũng theo dư luận phản ánh thì Dự án trên liên tục được điều chỉnh quy hoạch xây dựng Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa theo hướng có lợi cho nhà đầu tư. Cho nên nhà đầu tư chỉ chăm chú vào việc chia lô bán nền dẫn đến việc thực hiện dự án bị chậm tiến độ, ì ạch trong suốt nhiều năm liền.
Căn cứ vào các Quyết định và bản đồ quy hoạch 1/500, được biết theo Quyết định số 2361/QĐ-UBND, ngày 19/9/2011 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đồi thông thị trấn Sa Pa với diện tích quy hoạch là 63ha trong đó gồm: 30ha theo dự án Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa, Bến xe khách thị trấn Sa Pa và 33ha khu vực mở rộng.
Tại quyết định phê duyệt quy hoạch này, trong diện tích 30ha theo dự án Xây dựng hạ tầng và san tạo mặt bằng Chợ văn hóa, Bến xe khách thị trấn Sa Pa, UBND tỉnh chỉ xem xét điều chỉnh quỹ đất dự kiến xây dựng trường học. Vì theo dự án được duyệt tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 20/6/2005 của UBND tỉnh thì quỹ đất xây dựng Trường nội trú và Trường THPT với diện tích là 1,45ha là quá nhỏ không phù hợp với quy mô theo tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia cũng như nhu cầu dạy và học cấp học THPT tại thị trấn Sa Pa (đô thị loại IV trong kế hoạch phát triển đô thị Sa Pa đến năm 2015). Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch và bố trí một quỹ đất thích hợp là cần thiết và thực tế. Hiện nay, UBND tỉnh đã đầu tư dự án Trường THPT và Trường dân tộc nội trú liên cấp 2+3 tại tổ 11A thị trấn Sa Pa với diện tích mặt bằng là 9,7ha. Đối với phần diện tích đất ở tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch ngoài Dự án Chợ văn hoá, Bến xe khách hiện nay vẫn đang thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh chưa giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào, và như vậy không có việc điều chỉnh quy hoạch để ưu đãi cho nhà đầu tư.
Khu vực Đồi thông được quy hoạch nhằm mục đích hình thành khu đô thị rộng hơn với chức năng chính là khu tái định cư, khu nhà ở thương mại và các công trình phúc lợi công cộng, hệ thống hạ tầng… Hiện UBND tỉnh chỉ mới phê duyệt quy hoạch còn Dự án Đồi thông chưa được phê duyệt, chưa đấu thầu cũng như chưa giao ai làm Chủ đầu tư, Công ty VIDIFI Lào Cai hoàn toàn không phải nhà đầu tư hay chủ đầu tư của Khu đồi thông này như một số báo chí phản ánh.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hảo cho biết: “UBND huyện cũng chưa hề tiến hành thu hồi đất của bất cứ hộ nào ngoài phạm vi 30ha quy hoạch của dự án Chợ văn hoá, Bến xe khách Sa Pa. Dự án Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa chỉ là một phần của dự án, nằm trong hơn 63ha cả quy hoạch tổng thể. Chúng tôi đang thực hiện đúng theo các quyết định của UBND tỉnh trong diện tích đất gần 30ha quy hoạch cho Dự án Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa. Trên thực tế, UBND huyện cũng như Công ty VIDIFI Lào Cai chưa được giao làm chủ đầu tư, nhà đầu tư cũng như không hề xâm lấn, lạm dụng quỹ đất còn lại trong đồ án quy hoạch khu vực Đồi thông”.
Bản đồ quy hoạch của Dự án được phê duyệt thể hiện rõ dự án trên nằm trong quy hoạch tổng thể
Ông Nguyễn Thành Nam – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Sa Pa phân tích: “Vấn đề giải phóng mặt bằng từ trước gặp khúc mắc 1 phần do tên dự án dễ bị hiểu sai. Nếu đặt là dự án khu đô thị số 1 Sa Pa thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, dự án lại tên Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa. Như vậy, sau khi chợ và bến xe hoàn thành (giai đoạn đầu của dự án) nhưng người dân vẫn thấy nhà đầu tư tiếp tục xây dựng công trình nhà ở trên đất dự án... từ đó dẫn đến hiểu nhầm hoặc cố tình hiểu nhầm”. Tuy nhiên, đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng đô thị do đó khi nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Chợ và Bến xe xong vẫn phải tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị cho khu vực quy hoạch gồm các khu tái định cư cho các hộ dân, hệ thống đường nội thị, cấp điện, và hệ thống cấp thoát nước, cây xanh... đổi lại Nhà nước sẽ trả chi phí xây dựng hạ tầng cho Nhà đầu tư bằng đất hình thành nên tại khu Đô thị, việc này được thực hiện bằng các quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án tài chính của Dự án.
Người dân khiếu kiện do hiểu nhầm
Được biết, để hoàn thành Dự án xây dựng Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa, Dự án cần thu hồi đất của 118 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức. Đến năm 2016 đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 103 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức, còn 15 hộ chưa nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó có 5 hộ phải thu hồi đất và 10 hộ phải thu hồi đất nông, lâm nghiệp.
Việc thu hồi, giải phóng mặt bằng của UBND huyện Sa Pa được thực hiện theo đúng phê duyệt của UBND tỉnh Lào Cai. Bởi đây là dự án có mục đích phục vụ lợi ích công cộng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Khoản 2, Điều 34 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính Phủ.
Nhưng từ năm 2005 đến nay, triển khai việc thực hiện dự án, đền bù, giải phóng mặt bằng nên xuất hiện tình trạng kiến nghị, khiếu nại, kiện cáo từ phía người dân nằm trong diện đền bù, giải tỏa. Rất nhiều hộ dân cho rằng, nhà đầu tư tiến hành các công trình đầu tiên là kiểm đếm, định giá đề bù, giải phóng mặt bằng có nhiều khúc mắc.
Một số hộ gia đình như Ðoàn Văn Cử, Ðoàn Văn Yên, Lê Hồng Hải, Phạm Thị Thoan, Phạm Thị Hảo… nói việc giải phóng mặt bằng có nhiều uẩn khúc. Chính vì chưa nắm bắt được đúng, trúng mục đích xây dựng của Dự án nên nhiều người dân không đồng thuận giao đất cho dự án, dẫn đến kiện cáo kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ công trình.
Trong 2 năm 2017 và 2018, UBND huyện Sa Pa đã có văn bản trả lời kiến nghị của bà Phạm Thị Hảo, bà Bùi Thị Huyền, ông Đoàn Văn Mạc về vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng trên diện tích của của các ông/bà thuộc Dự án theo đúng trình tự, quy định. Thế nhưng, nội dung trả lời của UBND huyện Sa Pa vẫn chưa thỏa mãn với những khúc mắc của người dân.
Đỉnh điểm vụ việc là khi gia đình bà Phạm Thị Hảo gửi đơn xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hành chính phúc thẩm số 03/2015/HCPT ngày 10/9/2015 của TAND tỉnh Lào Cai về vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông/bà với người bị kiện là UBND huyện Sa Pa.
Theo người khởi kiện, diện tích đất của gia đình không nằm trong khu vực xây dựng hạ tầng Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa. Nhưng diện tích đất có quyết định thu hồi để giao cho Công ty VIDIFI để chia lô, bán nền, chia biệt thự nhà vườn cho khách mỗi mảnh lên đến hàng tỷ đồng.
Thêm nữa, quyết định số 2178/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 và Quyết định 2461/QĐ-UBND ngày 16/11/2012 của UBND huyện Sa Pa thu hồi 10.740,3m2 đất là trái pháp luật, không thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại điều 38 Luật Đất đai năm 2003.
Các thông báo và các quyết định của Tòa án nhân dân các cấp trả lời công dân khiếu kiện về Dự án
Những phản ánh, kiến nghị của người dân về uẩn khúc trong việc UBND huyện Sa Pa mập mờ giữa Dự án xây dựng Chợ văn hóa, Bến xe khách Sa Pa và Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Đồi thông đã được giải quyết rõ tại Thông báo giải quyết đơn đề nghị số 249/TB-TANDCC-GĐKT I của Tòa án cấp cao tại Hà Nội.
Sau khi xem xét tất cả các bằng chứng, quyết định có liên quan, Hội đồng xét xử thấy UBND huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2178/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 và Quyết định 2461/QĐ-UBND ngày 16/11/2012 là đúng mục đích, thực hiện đúng quy trình thủ tục để ban hành quyết định hành chính đúng pháp luật.
Theo TAND cấp cao tại Hà Nội, UBND huyện Sa Pa đã thực hiện đúng chủ trương chung của tỉnh Lào Cai. Chủ trương này tại thời điểm 2016 đã được 103 hộ dân tại thị trấn Sa Pa chấp hành đúng quy định. Đến nay, UBND huyện Sa Pa cũng đã tiến hành rà soát lại việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư để đảm bảo quyền của người dân đồng thời tiếp tục bồi thường cho các hộ còn lại.
Đến thời điểm này chỉ còn 02 hộ còn khiếu nại vì lý do đền bù chưa thoả đáng là hộ gia đình ông Đoàn Văn Mạc và hộ Bà Phạm Thị Hảo. Ngoài ra, hiện tại hơn 100 hộ dân đã được bồi thường GPMB và tái định cư tại Dự án xung quanh Chợ và Bến xe trung tâm đã ổn định cuộc sống và có thu nhập rất ổn định từ lợi ích dự án mang lại, các hộ dân các tổ 2A, 2B, 3A, 3B cũng đều đồng tình việc thu hồi đất để thực hiện Dự án, chỉnh trang đô thị và ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án để người dân sớm được hưởng những lợi ích từ Dự án.
Theo lsvn.vn