Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đưa ra nhằm hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2019 đối với 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, chương trình khuyến công quốc gia với nhiều hoạt động thiết thực đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.

Tập trung hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2019 - Hình 1

Ảnh minh họa

Từ kết quả thực hiện kế hoạch năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2019, trong các tháng còn lại, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chính như sau:

Một là, tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình hành động của ngành Công Thương về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, các Nghị quyết khác của Chính phủ; Bám sát các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Lãnh đạo Ban Kinh tế trung ương tại Hội nghị sơ kết Chương trình KCQG giai đoạn 2014 – 2018 về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công trong tình hình mới.

Hai là, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2019. Tổ chức nghiệm thu cơ sở và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.

Ba là, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục CTĐP, thực hiện mục tiêu đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch các hoạt động khuyến công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; xây dựng đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt cấp khu vực, cấp quốc gia đảm bảo có sự liên kết; có tác động lan tỏa. Tiếp tục giảm mạnh việc khảo sát, lựa chọn các đề án dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu và áp dụng thực hiện hiệu quả các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công được ban hành trong thời gian qua: Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 20/2017/TT-BCT ngày 29 tháng 9 năm 2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công thay thế Thông tư liên tịch số 26/TTLT-BTC-BCT ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; Thông tư số 17/2018/TT-BCT ngày 10 tháng 7 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2013/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Trên cơ sở Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức khuyến công được Bộ Công Thương ban hành theo Quyết định số 799/QĐ-BCT ngày 03 tháng 4 năm 2019, các địa phương chủ động và tích cực triển khai phổ biến văn bản, tập huấn nghiệp vụ về hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác thống kê, xây dựng, cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu về các cơ sở CNNT để quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công.

Năm là, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần tăng cường thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công trên địa bàn. Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm khuyến công và các phòng chuyên môn, chi nhánh cấp huyện, hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các Trung tâm Khuyến công để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện việc phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ngành và UBND cấp huyện đối với hoạt động khuyến công trên địa bàn; quan tâm bố trí kế hoạch vốn từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động khuyến công; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn và thực hiện dịch vụ khuyến công. Đặc biệt, thực hiện ổn định công tác cán bộ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tránh để xảy ra các vấn đề, vụ việc tiêu cực trong quá trình triển khai các đề án khuyến công;

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng phương thức các hoạt động thông tin tuyên truyền, cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT.

Bảy là, đẩy mạnh hoạt động TVPTCN của các Trung tâm khuyến công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính, cần tăng cường các hoạt động tư vấn hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở CNNT.

Tám là, tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.

Hà Giang