Theo đó, để cuộc vận động đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả tốt, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng gắn với phong trào thi đua yêu nước, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, tạo thói quen sử dụng hàng nội địa vừa phù hợp với thu nhập, tiết kiệm vừa thúc đẩy sản xuất hàng Việt Nam, phát triển kinh tế đất nước.
Tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình bình ổn giá, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, mạng lưới cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, phòng chống và ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây mất niềm tin của người tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa Việt Nam.
Đến nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã xây dựng được hệ thống kênh phân phối hàng hoá gồm 391 chợ và các siêu thị, trung tâm thương mại, trong đó nguồn hàng hoá trong nước sản xuất chiếm hơn 80%; xây dựng được 435 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn với 90% nguồn hàng sản xuất trong nước; xây dựng 16 điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”…
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trong tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thương hiệu của các mặt hàng Việt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, phân tích những kết quả đạt được; đề ra giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp góp phần thiết thực để thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh ngay từ những tháng đầu, năm đầu của nhiệm kỳ, vì vậy Ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng như các ngành thành viên cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm để tập trung triển khai thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả.
Trong thời gian tới Ban Chỉ đạo cuộc vận động cần xây dựng chương trình hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành thành viên; xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện cuộc vận động tại các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phải đăng ký chương trình thực hiện cuộc vận động một cách thiết thực, phù hợp, hiệu quả với đơn vị mình; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động, ưu tiên sử dụng các loại hàng hoá trong nước, trong tỉnh sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, không đúng quy định; các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Ngành Công thương tiếp tục thực hiện tốt công tác định hướng, dự báo thị trường, triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước đạt hiệu quả, từ đó kích cầu sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hoài Thu