Những năm gần đây, vấn đề vệ sinh (an toàn thực phẩm) ATTP đang là thách thức đối với toàn xã hội. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đưa ra thị trường các sản phẩm độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Nhận thức được nguy cơ gây mất vệ sinh ATTP không những xuất phát từ khâu sản xuất, chế biến mà còn tiềm ẩn ở khâu bảo quản, đặc biệt là trong quá trình trao đổi, mua bán hàng hóa diễn ra tại các chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 10/3/2022 về việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng các quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025, cụ thể hóa lộ trình xây dựng cho kinh doanh thực phẩm theo từng năm cho các huyện, thị xã, thành phố.
Sở Công Thương đã bố trí đoàn công tác làm việc tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; trực tiếp khảo sát thực tế tại các chợ trên địa bàn tỉnh để kiểm tra, hướng dẫn công tác duy trì, xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm và cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của từng địa phương trong quá trình thực hiện công tác duy trì, xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm.
Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định tại TCVN 11856:2017 hoặc tiêu chí tại Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh, cơ sở vật chất, hạ tầng tại hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng, cải tạo; trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ được trang bị phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu về ATTP; các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ được tuyên truyền và có nhận thức, ý thức về việc thực hiện các quy định về ATTP, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong việc kinh doanh tại chợ, trách nhiệm của Ban quản lý chợ, Tổ giám sát ATTP tại chợ được nâng cao.
Cùng với sự quyết tâm của Sở Công Thương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 370/389 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 95%. Trong đó, có 253 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 116 chợ được Giám đốc Sở Công Thương quyết định công nhận chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chí chợ tạm tại Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh về việc quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước.
Để thực hiện tốt công tác duy trì các tiêu chí sau khi được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm, góp phần nâng cao kết quả xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm tại các huyện Triệu Sơn, Ngọc Lặc trong thời gian tới.
Khánh An