Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, thời gian gần đây nổi lên tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến, tiệc trong làng, chế biến cho gia đình sử dụng.

Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh); vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum. Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Vì thế, chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài. Vì những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.

Khi có bất cứ triệu chứng gì liên quan đến sử dụng thực phẩm như nôn, đau bụng, đặc biệt là triệu chứng thần kinh liệt, sụp mi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khan tiếng, khô miệng… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...

Trang Nguyễn