PGS.TS Vũ Bích Nga, nguyên Trưởng khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với những chia sẻ dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh thiếu hoặc thừa các hormone của tuyến giáp: Dấu hiệu, nguyên do, các hệ lụy mà bệnh mang lại và hướng điều trị cũng như phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Thiếu hormone tuyến giáp gây ra nhiều hậu quả
Thiếu hormone tuyến giáp sẽ gây ra giảm chuyển hóa dẫn tới giảm nhiệt độ cơ thể, khiến con người luôn sợ lạnh. Nhịp tim đập chậm lại có thể dẫn tới tim to, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, thâm nhiễm vào các tổ chức dưới da khiến người bệnh tăng cân, phù. Ngoài ra chức năng thận suy giảm. Men cơ tăng vì bệnh gây tổn thương cơ. Nếu thiếu quá nhiều hormone tuyến giáp sẽ khiến các điện giải trong cơ thể suy giảm, nặng hơn gây phù não và hôn mê suy giáp.
Tuyến giáp rất cần được bảo tồn. Bởi thiếu hormone tuyến giáp gây ra nhiều hệ lụy cho người bệnh ở tất cả các độ tuổi khi mắc phải:
Đối với trẻ em có thể ảnh hưởng tới trí tuệ của trẻ. Và ảnh hưởng tới phát triển của thể chất: khiến trẻ thấp bé.
Với phụ nữ mang thai hoặc trong độ tuổi sinh nở, nếu thiếu hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh nở, nặng là vô sinh. Thai phụ thiếu hormone tuyến giáp có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi vì điều này ảnh hướng tới các tế bào não của em bé khi mang thai.
Nam giới nếu thiếu hormone tuyến giáp cũng có thể gây ra vô sinh.
Người lớn tuổi thiếu hormone tuyến giáp gây trầm cảm, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng tới tim mạch
Suy giáp ít có liên quan tới lối sống và cách sinh hoạt. Có nhiều nguyên nhân khác gây ra thiếu hormone tuyến giáp, như:
Viêm tuyến giáp tự miễn;
Mổ cắt tuyến giáp cũng là một nguyên do (chỉ khi ung thư tuyến giáp có nguy cơ xâm lấn mới nên phẫu thuật);
Sử dụng thuốc gây ảnh hưởng tới suy giảm chức năng tuyến giáp: Như thuốc có chứa Iot quá nhiều;
Sử dụng thuốc điều trị cường giáp quá liều (chỉ cần giảm liều có thể hồi phục trở lại chức năng tuyến giáp);
Tuyến giáp bẩm sinh không có hoặc nằm lạc chỗ;
Suy tuyến giáp thứ phát. Nguồn gốc xuất phát từ tuyến yên: các tổn thương của tuyến yên từ u tuyến yên, hoại tử tuyến yên, tia xạ phẩu thuật tuyến yên,…
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị suy giáp như: Người bị bướu cổ, người trong gia đình có thành viên bị suy giáp, người có tiền sử phẫu thuật và dùng thuốc ảnh hưởng chức năng tuyền giáp, người phẩu thuật cắt tuyến giáp, người trên 40 tuổi có biểu hiện trầm cảm, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp. Người ở độ tuổi sinh nở bị vô sinh.
Suy giáp không có nhiều dấu hiệu rõ ràng. Các biểu hiện nhẹ thường thấy như ớn lạnh, tăng cân, rụng tóc. Trẻ em thấy chậm lớn, học hành lơ đễnh khó tiếp thu. Trẻ dậy thì thấy rối loạn kinh nguyệt. Trong tuổi sinh sản khó đậu thai, vô sinh. Những trường hợp này khi bù hormone tuyến giáp đa phần có thể trở lại bình thường. Nếu người già có biểu hiện của trầm cảm, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp đều cần được thăm khám và kiểm tra hormone tuyến giáp. Còn các biểu hiện như: Tăng cân chậm chạp, giảm trí nhớ, rụng tóc, suy gan thận, tràn dịch màng phổi, hôn mê là khi tình trạng suy giáp đã tiến triển nặng.
Trẻ em nên được sàng lọc suy giáp sớm vì có nhiều nguy hiểm đến trí thông minh và sự phát triển của trẻ. Có thể sàng lọc ngay cho trẻ trong 3 tháng đầu mang thai. Các phụ nữ có nguy cơ cao trong thai kì rất nên được kiểm tra và sàng lọc.
Thừa hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tính mạng
Thừa hormone tuyến giáp gây nền gầy gò, sút cân dù người bệnh vẫn ăn uống đây đủ. Đồng thời, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim và suy tim. Da nóng ẩm, run tay, yếu cơ nhược cơ, vã mồ hôi nhiều gây nên dễ bị nóng bức. Với phụ nữ mang thai có thể gây nên sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh. Người lớn tuổi thừa hormone tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến tim: rối loạn nhịp tim, suy tim. Thừa hormone tuyến giáp quá nhiều sẽ gây nên cơn nhiễm độc giáp cấp với tỉ lệ tư vong rất cao.
Để điều trị cần phải tuân thủ theo bác sĩ chuyên khoa. Nhưng người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì thuốc điều trị tuyến giáp khá rẻ và khi sử dụng thuốc vẫn có thể sinh hoạt, làm việc bình thường. Bởi đa phần u tuyến giáp thường là lành tính. Chỉ cần can thiệp khi bướu to, gây chèn ép thực quản hoặc khó thở, khó nuốt. Ung thư tuyến giáp cũng thường tiến triển chậm, có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bản thân tuyến giáp là một tuyến nội tiết có thể tự điều chỉnh trong cơ thể và luôn duy trì hàm lượng hormone một cách bình thường. Nếu thiếu hormone tuyến giáp người bệnh cần có tư vấn từ các bác sĩ để được điều chỉnh liều phù hợp với từng giai đoạn. Tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị cho thích hợp.
Hương Thảo