Cùng với sự phát triển chung của xã hội, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, theo đó thành lập Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia là cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại quốc gia để cùng với các cơ quan chức năng giải quyết tình hình phân bón giả.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ra Kế hoạch 01, Chỉ thị 15 và đặc biệt là Kế hoạch 1239. Có thể nói, đây là những nỗ lực rất lớn của Ban Chỉ đạo trong việc cùng với các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh phòng chống phân bón giả.

Thủ đoạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng rất tinh vi - Hình 1

Quang cảnh hội nghị

Về mức độ quy mô thủ đoạn của việc hoạt động buôn bán gian lận thương mại hàng giả về phân bón tôi đánh giá có thể nói nổi lên của hoạt động sản xuất phân bón giả kể cả vô cơ và hữu cơ là việc lợi dụng các nhãn của nước ngoài và các hãng có uy tín để các đối tượng lợi dụng vào đó để sản xuất phân kém chất lượng và phân giả gây lên hậu quả rất lớn với người tiêu dùng.

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Nổi lên chủ yếu là hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định, tại địa bàn các tỉnh, thành phố như: Khu vực phía bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam...; Khu vực miền trung - Tây Nguyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông, Lâm Đồng; Khu vực phía nam: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An...

Như chúng ta đều biết sự nguy hại của hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung và lĩnh vực, mặt hàng phân bón nói riêng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường, môi sinh, sức khỏe, đời sống của hàng chục triệu bà con nông dân.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng về buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón đã được phát hiện và ngăn chặn. Mức độ, quy mô gây bức xúc trong dư luận xã hội và đã được các đại biểu quốc hội hết sức quan tâm, đưa ra thảo luận tại các kỳ họp vừa qua.

Về phương thức, thủ đoạn, đối tượng thường lợi dụng khe hở trong các quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào thực phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón...; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Đối tượng thường tổ chức hoạt động sản xuất bí mật, khép kín từ khâu sản xuất, đến vận chuyển, tiêu thụ; chia nhỏ từng giai đoạn, đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ; thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng trên thực tế không có cơ sở sản xuất, gây khó khăn trong việc truy tìm cơ sở sản xuất khi phát hiện các sản phẩm phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường.

Bên cạnh đó, đối tượng chỉ sản xuất một lô duy nhất, với số lượng nhất định, bán cho một doanh nghiệp, đại lý kinh doanh phân bón duy nhất tại địa phương khác để cung cấp cho người tiêu dùng; ký hợp đồng bán phân bón cho các đơn vị đầu tư để cung ứng trực tiếp cho người sử dụng phân bón, không đưa ra lưu thông trên thị trường; bán phân bón cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng lại thỏa thuận ký hợp đồng gửi kho nhằm trốn thuế nhà nước và tiêu thụ sản phẩm phân bón kém chất lượng.

Lợi dụng vào nhận thức, trình độ dân trí thấp, tâm lý ham hàng hóa giá rẻ của đại đa số người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón lớn (đồng bằng Bắc bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên), các đối tượng đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, trích khấu, cho nợ gối đầu... với những cửa hàng nhỏ lẻ ở khu vực nông thôn để buôn bán tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sức khỏe nhân dân.

Theo số liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), việc sử dụng phân bón mất cân đối, lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn tới đất nông nghiệp bị suy giảm độ phì nhiêu. Một số diện tích đã bị thoái hóa nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, đá ong hóa, chua mặn hóa, trong đó diện tích thoái hóa nặng lên tới hai triệu ha. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.

Tính đến cuối năm 2017, trong khi, nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ từ lâu để đáp ứng xu hướng sản xuất hữu cơ, sản lượng phân bón vô cơ được sản xuất, nhập khẩu, sử dụng trong nước vẫn đang nhiều hơn phân hữu cơ tới hơn 19 lần.

Trên thị thường, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn hoành hành, chưa được kiểm soát triệt để, đã ảnh hưởng đến môi sinh, năng suất, chất lượng của cây trồng, mà còn giết chết các doanh nghiệp làm ăn chân chính, phá hoại sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp, năng lực sản xuất phân bón của chúng ta hiện nay đã được nâng cao, với ngày càng nhiều các doanh nghiệp được đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại như Công ty CP Quế Lâm, hay Đạm Cà Mau... Chúng ta cũng có nhiều tiềm năng phát triển ngành, nhưng lại chưa có chính sách phát huy hiệu quả, khiến phân bón nội địa lép vế phân bón nhập khẩu ngay tại sân nhà…

Những thách thức mà ngành trồng trọt đang phải đối mặt đòi hỏi, chúng ta phải có những hành động mạnh mẽ, nhằm tái cơ cấu ngành phân bón, lập lại trật tự thị trường phân bón, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân, đặc biệt trước sức ép hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Theo BCĐ389