Tuy nhiên, một lượng thuốc không nhỏ đã được cấp phát hết đến tay người bệnh, hệ lụy đến sức khỏe người bệnh cũng chưa thể đánh giá hết được.

Các doanh nghiệp của Việt Nam bị buộc phải thu hồi tất cả các tên thuốc thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Trung Quốc, bao gồm: Công ty CPDP Trung ương 2, Công ty cổ phần Hóa dược Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm OPV, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty cổ phần PYMEPHARCO, Công ty TNHH Liên doanh STADA Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Thu hồi hàng loạt thuốc chứa chất gây ung thư - Hình 1

Đã thu hồi được khoảng 136.000 viên thuốc chứa Valsartan trên địa bàn Hà Nội (Ảnh: A.C)

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco cho biết, Công ty hiện có 3 loại thuốc thuộc diện thu hồi. Ngay khi nhận được yêu cầu, Domesco đã thông báo tới khách hàng và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm mà Công ty sản xuất từ nguyên liệu Valsartan của Zhejiang Huahai Pharmaceutical, đồng thời báo cáo về tình hình mua và sử dụng nguyên liệu theo đúng yêu cầu của Cục.

Domesco cho biết, việc thu hồi các sản phẩm không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh doanh của Công ty do sản phẩm bị thu hồi có doanh thu thấp và Công ty cũng đang làm việc với nhà cung cấp để yêu cầu bồi thường do tổn thất.

Ngoài ra, sau khi sản phẩm bị thu hồi, Công ty đã hoàn tất việc nghiên cứu một nguồn nguyên liệu khác để đưa vào sản xuất ngay khi nhận được sự phê duyệt của Cục Quản lý dược Việt Nam.

Cũng là một trong các công ty bị thu hồi loại thuốc này, ngay sau khi nhận được công văn, Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long đã ngừng ngay việc sử dụng nguyên liệu nói trên trong sản xuất thuốc thành phẩm và ngay lập tức gửi công văn báo cáo đến Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Trong công văn gửi đến Cục Quản lý dược, công ty này cũng báo cáo rõ việc nhập khẩu và phân phối nguyên liệu Valsartan do Zhejang Huahai Pharmaceuticals sản xuất. Công văn do ông Lưu Quế Minh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long ký. Theo đó, số lượng Valsartan nhập về ngày 21/2 là 160 kg, số lượng xuất từ 20/3 đến 31/5 là 49,07 kg.

“Xuất 40,07 kg cho việc sản xuất thuốc của Nhà máy Dược Cửu Long nhưng chưa phân phối ra thị trường”, công văn nêu rõ. Do đó, Công ty cổ phần Dược Cửu Long khẳng định tới thời điểm hiện tại, tất cả sản phẩm liên quan này vẫn còn lưu kho và chưa được xuất bán ra thị trường.

Tại Hà Nội, một số bệnh viện và công ty dược phẩm trúng thầu một số thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan có chứa tạp chất gây ung thư. Sở Y tế Hà Nội đã ngay lập tức rà soát và giám sát việc thu hồi.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Khải - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế Hà Nội - cho biết: Ngay sau khi Cục Quản lý dược có chỉ đạo về việc thu hồi thuốc sản xuất từ nguyên liệu Valsartan do Công ty Zhejiang Huahai Pharmaceutical của Trung Quốc sản xuất, chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư, Sở Y tế Hà Nội đã rà soát danh mục thuốc trúng thầu của các đơn vị trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội có 4 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai và 3 công ty, gồm: Công ty TNHH Dược phẩm Ba Đình, Công ty TNHH Dược phẩm Gia Minh và Công ty TNHH Dược phẩm Tân An có trúng thầu một số thuốc chứa Valsartan có trong danh mục thuốc được Cục Quản lý dược cảnh báo.

Theo ông Khải, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cấp phát hết số thuốc đã nhập. Bệnh viện Thanh Nhàn đã trả lại cho nhà cung ứng gần 2.000 viên thuốc. Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai chưa nhập thuốc. Còn 3 công ty dược phẩm đã thu hồi được khoảng 136.000 viên thuốc chứa Valsartan trên địa bàn Hà Nội. “Hiện các bệnh viện đã thu hồi 100%, nguồn thuốc là từ 3 công ty trên xuất ra. Vẫn có nhiều thuốc khác cùng hoạt chất đó được lưu hành nên người bệnh hoàn toàn yên tâm vì có đủ thuốc để sử dụng” - ông Khải thông tin.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay: “Trong danh mục thuốc thu hồi mà Cục Quản lý dược gửi thì chúng tôi không nhập khẩu thuốc trực tiếp từ các nhà sản xuất đó. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy có một lô thuốc mà chúng tôi nhập khẩu của châu Âu. Nhà sản xuất này lại xác nhận là họ nhập khẩu nguyên liệu từ công ty dược của Trung Quốc. Lô thuốc đó chúng tôi nhập từ tháng 1 và đã cấp phát hết. Khi đã có thông báo của Cục Quản lý dược như vậy thì đương nhiên chúng tôi sẽ không nhập khẩu thuốc này nữa”.

Cũng theo lãnh đạo của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện điều trị tim mạch, huyết áp có rất nhiều loại thuốc khác nhau, có thành phần và tác dụng tương tự loại thuốc bị thu hồi. Vì vậy, người bệnh không nên hoang mang trước thông tin thuốc tim mạch chứa chất gây ung thư mà hoàn toàn có thể yên tâm điều trị.

Được biết, hoạt chất Valsartan được dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp và suy tim, ngăn ngừa đột quỵ cho người cao tuổi, nhồi máu cơ tim và các vấn đề về thận.

Nguyên nhân 23 loại thuốc thành phẩm của doanh nghiệp dược nước ta bị thu hồi là nguyên liệu Valsartan chứa tạp chất N-nitrosodimethylamine (NDMA) có nguy cơ gây ung thư.

Liên quan đến vấn đề kiểm nghiệm thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, theo các chuyên gia, người ta chỉ xét đến các thành phần khác như nhiễm độc chì của thuốc mà ít có cơ sở, thông số nào về chất N - Nitrosodimethylamine. Ngay cả tại nước ta cũng không thể kiểm nghiệm được chất này.

Vấn đề thuốc chữa bệnh chứa tạp chất gây ung thư đã khiến cho không ít người bệnh hoang mang. PGS. TS. Nguyễn Hoài Nam - Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực và Tim mạch TP. HCM - cho hay, các tạp chất gây ung thư đều không tốt và gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, tạp chất đó sẽ gây ra ung thư sau khi người bệnh sử dụng lâu dài.

“Điều này càng chứng minh cho chúng ta thấy, những thuốc gốc sẽ tốt hơn những thuốc generic, vì thuốc generic nhiều khi bào chế thêm những chất này chất khác, không loại trừ khả năng thêm đúng chất gây ung thư. Valsartan nếu chính gốc không có tạp chất. Nhưng chúng ta cũng cần xác định có phải đúng tạp chất đó gây ung thư hay không hay chỉ là một vài nghiên cứu nhỏ lẻ. Hơn nữa, rất ít chất có thể gây ung thư được ngoại trừ chất phóng xạ” - PGS. TS. Hoài Nam nói. 

Bảo Ngọc (T/h)