Tiếp vụ NM rác Phương Đình - Bài 3: Hoạt động hơn 2 năm, xin dừng 777 ngày để sửa chữa - Hình 1

Chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy rác Phương Đình đã xin dừng hoạt động 777 ngày để sửa chữa, khắc phục sự cố

Hoạt động hơn 2 năm, phải dừng 777 ngày để khắc phục sự cố

Như Thương hiệu và Công luận đã có loạt bài phản ánh về thực trạng, ngay giữa thủ đô Hà Nội, Nhà máy xử lý và chế biến rác Phương Đình (Nhà máy rác Phương Đình) do công ty CP Đầu tư Thành Quang (Công ty Thành Quang) làm Nhà đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (vốn doanh nghiệp tự có và vốn vay từ Quỹ bảo vệ môi trường Hà Nội) với nhiều bất cập. Trong đó, vấn đề hiệu quả của Nhà máy rác trăm tỷ này đang là một câu hỏi khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đồng thời, trong suốt thời gian vận hành thì nhà máy rác trăm tỷ này cũng vướng phải không ít vấn đề liên quan tới vấn đề môi trường dẫn tới lãng phí nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có thông tin chính thức về vấn đề này. Theo đó, Nhà máy rác Phương Đình chính thức được đưa vào vận hành từ quý 2 năm 2016, với kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu chôn lấp rác thải, ô nhiễm môi trường khu vực huyện Đan Phượng nói riêng cũng như TP. Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Nhà máy rác trăm tỷ này đã xin ngừng tiếp nhận rác 04 lần, với lý do: tiến hành thực hiện nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hệ thống dây chuyền công nghệ (DCCN) nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động ổn định và vận hành đúng theo công suất thiết kế; Nhà máy thường xuyên xảy ra sự cố nhưng không được tự ý sửa chữa do có bảng ghi nhớ chuyển giao công nghệ với các nhà thầu trong và ngoài nước.

Cụ thể, thời gian xin ngừng nhập rác diễn ra như sau: lần 1 từ ngày 30/5/2016 đến 14/10/2016 (tương ứng 108 ngày); lần 2 từ 29/10/2016 đến 9/4/2017 (tương ứng 163 ngày); lần 3 từ 21/6/2017 đến 28/2/2018 (tương ứng 253 ngày); lần 4 từ 03/4/2018 đến hết ngày 30/10/2018 (tương ứng 253 ngày).

Như vậy, theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng thời gian xin ngừng nhập rác để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hệ thống DCCN của Nhà máy rác Phương Đình sau hơn 2 năm vận hành chính thức là 777 ngày (tương đương gần hết thời gian vận hành).

Công suất thực tế chỉ từ 9,26 đến 18,35 tấn/ngày

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, lượng rác phân luồng về Nhà máy rác Phương Đình được căn cứ trên công suất thiết kế và khả năng xử lý thực tế của nhà máy, trên nguyên tắc phân luồng rác sinh hoạt từ các địa bàn có cự ly vận chuyển gần để tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước. Vậy, câu hỏi được đưa ra là công suất thực tế của Nhà máy trong thời gian vận hành như thế nào, có đạt được công suất như thiết kế hay không?

Trả lời vấn đề này, Sở Xây dựng cho biết, công suất hoạt động thực tế của Nhà máy qua các năm như sau: năm 2016 đã xử lý 5045,90 tấn – trung bình 18,35 tấn/ngày; năm 2017 đã xử lý 4797,16 tấn – trung bình 13,14 tấn/ngày; năm 2018 đã xử lý 2528,75 tấn – trung bình 09,26 tấn/ngày (tính đến hết tháng 10.2018).

Ở đây chỉ cần một phép so sánh đơn giản giữa công suất thực tế và công suất thiết kế ban đầu của nhà máy rác Phương Đình thì dư luận cho rằng nhà máy rác trăm tỷ này hoạt động hoàn toàn không hiệu quả!?

Ngoài ra, liên quan tới việc tại buổi làm việc trước đó, trong số những tài liệu mà đại diện Công ty Thành Quang cung cấp cho PV lại có kết quả của phiếu kết quả phân tích khí thải lò đốt chất thải rắn y tế (trong khi Nhà máy rác Phương Đình không hề có chức năng xử lý chất thải y tế), do Viện Nghiên cứu da giầy (Bộ Công thương) cấp với nhiều điểm bất thường như: tại phiếu kết quả ngày lấy mẫu là 29/7/2016, nhưng ngày ký kết quả lại là 8/8/2015 và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, PV báo Thương hiệu và Công luận đã nhiều lần liên hệ làm việc với Trung tâm phân tích và công nghệ môi trường – Viện nghiên cứu da giầy (Bộ Công thương) cũng như liên hệ lại với chính Công ty Thành Quang để làm sáng tỏ những nghi ngờ về tính xác thực của kết quả những đợt kiểm tra đối với các tiêu chí đảm bảo môi trường tại Nhà máy rác Phương Đình, tuy nhiên câu trả lời nhận được vẫn chỉ là sự “im lặng” một cách khó hiểu từ các bên liên quan.

Dư luận băn khoăn: Có hay không việc mua kết quả phân tích; tính xác thực của các phiếu kết quả này hay chỉ nhằm che mắt cơ quan chức năng và người dân?

Thiết nghĩ, UBND TP. Hà Nội, sở TNMT Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các cơ quan liên quan cần sớm vào cuộc làm rõ thắc mắc của dư luận về sự hiệu quả của nhà máy rác trăm tỷ Phương Đình cũng như tính xác thực của các kết quả liên quan tới công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy rác trăm tỷ này.

Hải Minh - Bùi Quyền