Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ UBND TP. HCM nhấn mạnh, chuyển đổi công nghệ phải gắn với chuyển đổi năng lượng, hai việc này phải đi đồng thời với nhau. Công nghiệp phải mới, năng lượng phải là tái tạo.

Thành phố đang hướng đến mô hình phát triển kinh tế bền vững phù hợp với xu hướng quốc tế. Mới đây, thành phố vừa ban hành “Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh 2024-2030” dựa trên Nghị quyết 98/2023/QH15, nhưng vẫn còn thách thức về việc triển khai dự án thuận lợi cho nhà đầu tư.

TP. HCM Gỡ “nút thắt” pháp lý đối với năng lượng tái tạo
TP. HCM Gỡ “nút thắt” pháp lý đối với năng lượng tái tạo (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận xét, khung quy định cho lĩnh vực “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Việc thiếu quy định, hướng dẫn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư quan ngại.

Qua đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch kỳ vọng chính quyền thành phố cần phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp.

Cùng với đó, các chuyên gia có kinh nghiệm, nhất là về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ thành phố trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Diễn đàn gồm phần báo cáo phân tích từ các nhà đầu tư, chuyên gia và đối thoại diễn đàn giữa nhà đầu tư và chính quyền thành phố trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, thời gian phê duyệt các nghị định kéo dài khiến cho các nhà đầu tư e dè, làm chậm tiến độ dự án và ảnh hưởng đến cam kết đầu tư dài hạn. Cơ chế hợp tác giữa cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân còn hạn chế cũng làm mất đi cơ hội tận dụng chuyên môn và nguồn tài chính từ khu vực này, tạo gánh nặng tài chính và hành chính cho chính quyền thành phố.

Các quốc gia như Ấn Độ và Singapore đã áp dụng thành công mô hình hợp tác giữa khu vực tư nhân và chính phủ. Từ những bài học quốc tế, ông Nguyễn Xuân Thắng giới thiệu hai mô hình mà Việt Nam có thể áp dụng.

Cụ thể, tại Ấn Độ, các nhà phát triển tư nhân bán điện thông qua hợp đồng mua bán điện (PPA), giúp giảm thiểu rủi ro và thu hút đầu tư.

Còn tại Singapore, Chương trình SolarNova đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời giữa các đơn vị, tối ưu hóa chi phí và mở rộng quy mô.

Luật sư Nguyễn Đức Minh, Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam) trình bày báo cáo về thực trạng vận dụng quy định pháp luật trong đầu tư dự án năng lượng tái tạo thời gian qua.

Hiện tại, chưa có luật riêng về năng lượng tái tạo và các quy định liên quan đang bị phân tán, chịu sự điều chỉnh từ nhiều luật khác nhau. Điều này gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.

Lê Vũ (t/h)