Trong đơn thư, bạn đọc cho biết, con đường giao thông Cô Giang được HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang quyết định đặt cho tuyến đường nối từ đường Nguyễn Khắc Nhu và Trần Nguyên Hãn. Đây là con đường có từ lâu đời và là tuyến đường giao thông huyết mạch có lưu lượng giao thông tương đối đông đúc của TP Bắc Giang. Thế nhưng, vào "một ngày đẹp trời", Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp (Trường CĐKTCN) Bắc Giang lại thuê người tiến hành xây dựng một bức tường rào cao, kiên cố chắn đường Cô Giang.
Trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghiệp Bắc Giang
Không chỉ bịt đường giao thông Cô Giang, vẽ lại một phần đường giao thông Cô Giang có từ lâu đời được HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đặt tên đường thành đất của nhà trường. Lãnh đạo Trường CĐKTCN tiến hành cưỡng chế, đập phá toàn bộ khu tập thể cán bộ giáo viên có từ lâu đời. Có nguồn gốc từ những năm 1970 – 1990 được nhà trường xây dựng tạm trên đất của kho thiết bị nhà máy đạm Hà Bắc. Đến năm 1989, trường quy hoạch lại diện tích để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nhà trường đã bóc tách toàn bộ khu đất này ra khỏi diện tích đất của nhà trường, trả lại cho UBND tỉnh để bố trí nhà ở cho Cán bộ công nhân viên. Từ đó, đến nay toàn bộ khu đất này không còn thuộc về nhà trường nữa.
Ngoài ra, trong đơn thư, bạn đọc cũng cho rằng, ông Đặng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Nhà trường có nhiều khuất tất trong công tác quản lý và đào tạo. Cụ thể, có nhiều mập mờ trong thu chi tài chính một số năm, ký hợp đồng hợp tác đào với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Yên ngành kỹ thuật sữa chữa máy lạnh khi chưa được cấp phép đào tạo ngành này. Tuyển dụng đặc cách trái quy định với nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng khi có con riêng với chị T. là nguyên giáo viên của nhà trường.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Đặng Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường CĐKTCN khẳng định: “Về việc tự ý xây dựng tường rào bịt đường giao thông Cô Giang lại. Cái này, tôi khẳng định con đường và khu tập thể cán bộ giáo viên là nằm trên đất của nhà trường. Ngày xưa, nó là khu tập thể cũ của nhà trường cho giáo viên mượn ở tạm và bên cạnh đó là nhà văn hóa phường mượn của nhà trường. Hiện nay, các vị đã gửi đơn về việc này lên đến UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng đã có văn bản trả lời rồi. Về nguồn gốc đất thì khi tôi về công tác tại Trường thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thể hiện rằng các khu vực đó là đất của nhà trường rồi”.
Trả lời là vậy, nhưng ông Thủy lại không cung cấp được bất kì tài liệu nào chứng minh được việc Trường CĐKTCN cho các giáo viên nhà trường mượn ở tạm trên đất của nhà trường.
Liên quan đến việc bổ nhiệm đặc cách có dấu hiệu trái quy định, ông Thủy khẳng định, về việc này, Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời đơn thư của công dân. Và, từ chối cung cấp biên bản của Hội đồng xét tuyển đặc cách đối với các trường hợp mà bạn đọc phản ánh.
Ông Thủy cũng phủ nhận tất cả phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc ông Thủy vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, có con riêng với nguyên giáo viên của nhà trường cũng như việc có nhiều dấu hiệu mập mờ trong thu chi tài chính, việc kí hợp đồng liên quan đào tạo với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên ngành kỹ thuật sữa chữa máy lạnh khi Trường chưa có chức năng đào tạo ngành này.
Báo Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.
LÊ ĐẠI