Các thông tin trên facebook, blog, forum… đều là nội dung do cư dân mạng sản xuất. Những thông tin do công chúng sản xuất được xã hội đón nhận một cách tích cực, trở thành dữ liệu quan trọng cho các nhà quảng cáo quyết định sẽ “đầu tư” trên kênh nào, khung giờ nào. Điều đó cho thấy, ngày nay công chúng không còn đơn thuần là người tiếp nhận thông tin thuần túy, mà trở thành người chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin của các cơ quan truyền thông. Đây chính là hướng đi mới của báo chí truyền thông hiện đại.

Truyền thông và thay đổi mang tính bước ngoặt - Hình 1

Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra một lớp công chúng mới

Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một lớp công chúng mới. Hiện nay, công chúng không chỉ tiếp nhận thông tin qua báo, tạp chí in, kênh phát thanh hay truyền hình thuần tuý, mà với sự phát triển của công nghệ thực tại ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) đã hình thành “báo nhúng”.

Do đó, công chúng có thể tiếp nhận thông tin bằng cả cơ quan xúc giác và cảm xúc của mình, bởi họ như được tham gia chính vào thời điểm xảy ra sự kiện trong không gian ảo 3 chiều hay 4 chiều - nơi có thể tái hiện lại sự kiện, các nhân vật, âm thanh, tiếng động cũng được mô phỏng lại theo đúng ở hiện trường.

Ngoài ra, với công nghệ cảm ứng, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, công nghệ 4G phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội, khiến số lượng công chúng tiếp cận với thông tin qua thiết bị thông minh ngày càng tăng.

Khi bàn về vấn đề giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong môi trường số có thể thấy, với vai trò là chủ thể dư luận - công chúng truyền thông có đặc trưng là nặc danh (giấu tên). Do đó, việc các cơ quan báo chí làm thế nào nắm bắt chính xác chủ thể này là không hề dễ dàng.

Nói cách khác, công chúng mạng không phải là sự tồn tại mang tính thực thể mà do có chung ý kiến, quan điểm về một số hiện tượng xã hội và vấn đề xã hội mà hội tụ lại với nhau, có sự đồng thuận trên cấp độ dư luận, nhưng trong đời sống thực tế lại rất dễ bị phân tán. Nhóm công chúng này thường không ổn định, họ có thể tập trung vì có chung ý kiến, đồng thời cũng có thể giải tán khi không chung quan điểm.

Ngoài ra, trong môi trường truyền thông mới, mô hình sản xuất thông tin cũng đã có sự thay đổi về chất, kỷ nguyên số tạo điều kiện cho chủ thể dư luận mới là cộng đồng cư dân mạng ngày càng mạnh hơn, đồng thời tích hợp lại dựa trên đặc điểm “cùng nhóm đồng thuận, ngoài nhóm dị kiến”. Đặc điểm đó có mối liên hệ rất mật thiết với đặc tính của mạng Internet.

Đặc biệt, sự chuyển đổi từ nhà báo “đa năng” sang tư duy mobile đã từng bước được hình thành. Một cơ quan báo chí không chỉ đơn thuần có báo in, phát thanh, truyền hình hay website, mà còn có các phiên bản cho máy tính bảng và điện thoại di động.

Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại đã và đang biến thiên không ngừng. Những người làm báo cần nhận thức kịp thời và có những hành xử phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi