THCL Trong công tác bảo đảm VSATTP, Nhà nước và các ban, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, thực tế đang đặt ra: NTD mong đợi gì ở công tác này - vẫn luôn là điều trăn trở của toàn xã hội.
Báo động VSATTP
Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại trong công tác này cần phải khắc phục.
Thống kê cho thấy, cả nước hàng năm có khoảng 150.000 người mắc ung thư, trong đó có 35% nguyên nhân là ăn uống. Từ năm 2010 - 2015, cả nước xảy ra 1.030 vụ ngộ độc thực phẩm với 27.487 người mắc. Riêng năm 2015, đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến thực phẩm vi phạm VSATTP, 32.060 tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản, vi phạm sử dụng chất cấm, hoạt chất, kháng sinh.
Cả nước có 29.557 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ mà phần lớn không đảm bảo quy định về vệ sinh giết mổ; số cơ sở hiện đại đủ tiêu chuẩn không có nhiều. Tỷ lệ phân bón dùng trong nông nghiệp thì có đến 92% là phân vô cơ, 8% là phân bón hữu cơ, như vậy hàng năm một lượng hóa chất rất lớn đã thẩm thấu vào đất, nước và không khí.
Việt Nam đầu tư kinh phí cho VSATTP chỉ bằng 1/10 của Thái Lan. 75% số cơ sở vi phạm VSATTP không bị xử lý, chỉ bị phạt hành chính và nhắc nhở. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa vào cuộc một cách quyết liệt; các vụ việc xử lý với chế tài còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh thương mại còn thấp kém, ngay cả những thành phố lớn thì chợ chưa ra chợ, chưa có các trung tâm kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn, chợ đầu mối chỉ xuất hiện ở 1-2 thành phố lớn. Năm 2015, Hà Nội không có một đồng kinh phí nào cho việc xây dựng và cải tạo chợ?
Trong các kênh phân phối, siêu thị mới chiếm 25%, còn lại 75% là chợ và cửa hàng lẻ, nơi chưa được tổ chức, quản lý chặt chẽ, đồng thời cũng là nơi 80% dân nghèo thu nhập thấp, chấp nhận mua bán hàng ngày. Sản xuất bảo đảm đầu vào cho hệ thống bán lẻ ATTP còn manh mún, chất lượng hàng hóa, hầu hết chưa đạt những tiêu chuẩn quy định. Chính vì vậy, hệ thống bán lẻ hiện đại không chấp nhận được để tiêu thụ phục vụ tiêu dùng.
Kỷ luật thị trường trong mua bán còn lỏng lẻo, vì lợi nhuận, không ít người bất chấp tất cả, gây thiệt hại cho toàn xã hội và sức khỏe của NTD. Mua bán hàng hóa rất phức tạp, vòng vèo qua nhiều khâu trung gian, vừa khó quản lý về chất lượng, vừa đẩy giá lên cao một cách vô lý. Hàng hóa NK ở biên giới còn lỏng lẻo, các lực lượng, khi kiểm tra ở nội địa thì không đủ sức kiểm soát nổi hàng triệu tiểu thương trên thị trường.
Giải pháp quyết liệt
Để khắc phục những tồn tại kể trên, chúng ta phải có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa.
Về nhận thức, cần coi công tác bảo đảm VSATTP là cấp bách, đáng báo động. Nhận rõ tầm quan trọng thì chúng ta mới có những cơ chế, chính sách thích hợp và đầu tư đúng mức cho công tác này.
Nhà nước cần phải quan tâm đến đầu vào của hệ thống bán lẻ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, sạch, an toàn, xây dựng một nền nông nghiệp chất lượng cao và ATTP. Làm tốt hơn việc xây dựng hệ thống phân phối, kiểm soát theo chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ, quy rõ trách nhiệm cá nhân trong chuỗi đó.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, các tuyến phố văn minh thương mại và ATTP. Bảo đảm giao dịch mua bán công khai minh bạch, thị trường được kiểm soát một cách công bằng.
Bảo vệ những DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, có thương hiệu trong lòng NTD.
Nên tập trung ở giai đoạn đầu 4 - 5 năm, tạo những chuỗi thịt cá, rau củ quả, gạo, sữa cho thật chắc chắn, hiệu quả, sau đó nhân rộng ra các mặt hàng thiết yếu khác. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, bao gồm đất, nước và không khí. Có như vậy, mới đảm bảo có thực phẩm an toàn.
Khâu tổ chức thực hiện, đang rất yếu. Sau khi có những chủ trương đúng, cần có những điều kiện cần và đủ để đảm bảo công tác ATTP được khả thi, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao sức khỏe đời sống nhân dân, giảm bớt những mối lo chung, những trăn trở của NTD hiện nay.
Vinh Phú