Theo giải thích của VFF, họ bị phạt vì một cổ động viên (CĐV) đã đốt pháo sáng trong trận đấu giữa Việt Nam và Hàn Quốc tại bán kết Asiad 2018 hôm 29/8.

Trước đó, VFF từng nhiều lần chịu “vạ lây” vì sự quá khích của một số người hâm mộ. Trong số này có vụ bị phạt 11.000 đôla vì cổ động viện (CĐV) đốt pháo sáng khi đội tuyển làm khách của Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019, bị phạt 38.000 đôla vì CĐV ném đá vào xe chở đội Indonesia khi đối thủ rời Mỹ Đình tại AFF Cup 2016.

"VFF từng nhiều lần cảnh báo người hâm mộ không đốt pháo sáng. Hành vi này cần phải lên án. Nếu tái diễn, hình phạt dành cho bóng đá Việt Nam sẽ nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến việc đội tuyển phải đá sân trung lập", Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho hay.

VFF bị phạt 12.500 đôla do CĐV đốt pháo sáng ở Asiad - Hình 1

CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên khán đài sân Bogor hôm 29/8

Để không làm tổn hại đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam, hình ảnh của các CĐV bóng đá Việt Nam cũng như đảm bảo quyền lợi cho các đội tuyển và cho đông đảo người hâm mộ, VFF đề nghị các CĐV Việt Nam hãy đồng lòng "Nói không với pháo sáng".

Đồng thời kêu gọi các CĐV hãy cổ vũ hoặc ăn mừng chiến thắng một cách văn minh, cuồng nhiệt mà không vi phạm Quy định kỷ luật của BTC giải cũng như luật pháp Việt Nam và các nước sở tại, đặc biệt là tại AFF Suzuki Cup 2018 sắp tới.

Pháo sáng là một trong những vấn nạn của bóng đá Việt Nam. Tại V-League, người hâm mộ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hoá... thường xuyên đốt trên các khán đài, khiến Ban kỷ luật của VFF rất nhiều lần phải ra án phạt dành cho các đội bóng, các ban tổ chức sân. Hải Phòng thậm chí từng phải đá trên sân không khán giả vì bị phạt.

Hằng Vương