Đất thải nghi độc hại đổ đầy đê sông Hồng (thuộc địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên)
Thương hiệu & Công luận đã thông tin, theo phản ánh của người dân huyện Văn Giang (Hưng Yên), những ngày đầu tháng 5/2017, xuất hiện một số đối tượng ngang nhiên đổ trộm hàng nghìn m3 đất màu đen, chảy nước, bốc mùi nồng nặc… lên đê sông Hồng (đoạn qua huyện Văn Giang). Hành vi này, khiến hành lang thoát lũ bị xâm phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hữu, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng yên cho biết: “Hiện nay, Chi cục chưa chấp thuận cho bất kỳ một doanh nghiệp, cá nhân nào được phép đổ đất, cát hay vật liệu xây dựng trên đoạn đê tả sông Hồng nói trên. Chúng tôi mới nhận được quyết định về chủ trương của Bộ cho phép thi công gia cố đoạn đê bị sạt lở, chưa cho phép đơn vị nhà thầu nào thi công”.
Cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với hành vi đổ trộm đất thải
Tiếp nhận thông tin, tư liệu từ phóng viên, ngày 12/5/2017, ông Nguyễn Xuân Hữu đã chỉ đạo cán bộ chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường, lập biên bản đối với hành vi đổ đất thải trái phép trên.
Điều đáng nói, dù Bộ NN&PTNT mới đồng ý về mặt chủ trương, chưa cho phép đơn vị nhà thầu nào thi công đoạn đê kè bị sụt lún, nhưng ngày 09/05/2017, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 309/SNN-ĐĐ, gửi UBND huyện Văn Giang, Công an tỉnh và Sở GTVT tỉnh Hưng Yên về việc đề nghị cho phép phương tiện tham gia xử lý khẩn cấp nứt đê tả Hồng, đoạn từ km81+000 đến km82+500, huyện Văn Giang.
Công văn nêu rõ: “Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Văn Giang, Công an tỉnh, Sở GTVT cho phép các phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị có tổng trọng tải không quá 25 tấn lưu thông phục vụ thi công công trình xử lý khẩn cấp đoạn đê tả Hồng, đoạn từ km81+000 đến km82+500, huyện Văn Giang, để việc thi công hoàn thành xong trước ngày 30/06/2017 nhằm đảm bảo an toàn đê điều…”.
Hai văn bản nội dung trái ngược nhau được Sở NN&PTNT Hưng Yên ban hành trong vòng 10 ngày?
Động thái này của Sở NN&PTNT Hưng Yên, khiến dư luận hoài nghi: Liệu Sở NN&PTNT Hưng Yên có đi ngược lại với chị đạo của Bộ? Việc ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên ban hành Văn bản 309/SNN-ĐĐ - có vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng ngang nhiên đổ trộm đất thải trái phép?
Lý giải về văn bản này, ông Nguyễn Xuân Hữu cho biết: “Đây là "đi tắt đón đầu" để sau khi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận, sẽ cho thi công phần đê bị sụt lún này, đảm bảo an toàn đê trước mùa mưa lũ”.
Đáng nói, ngay sau khi Thương hiệu & Công luận có loạt bài phản ánh về vụ việc, ngày 19/5, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên lại tiếp tục ban hành một “văn bản thần tốc” với nội dung: “Tạm dừng áp dụng nội dung Văn bản số 309/SNN-ĐĐ”, do chính tay ông Doanh vừa ký trước đó 10 ngày?
Cán bộ Phòng Tham mưu - Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục từ chối cho PV đặt lịch làm việc với lãnh đạo cơ quan?
Tại một diễn biến khác, kể từ khi sự việc đổ trộm đất thải xảy ra, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, thế nhưng phía cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái cụ thể về xử lý hành vi xả đất thải trái phép ra đê sông Hồng; anh Nguyễn Đình Quân đã bị một số đối tượng lạ mặt hành hung, phải nhập viện cũng chưa được làm rõ, khiến dư luận hoài nghi: Liệu vụ việc có bị… "chìm xuồng"?
Để làm rõ thông tin về vụ đổ trộm đất thải ra đê sông Hồng (thuộc địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên) và anh Nguyễn Đình Quân bị một số đối tượng lạ mặt hành hung, sau khi cung cấp thông tin cho báo chí, PV đã đến trụ sở Công an huyện Văn Giang và Công an tỉnh Hưng Yên để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, các cán bộ của 2 cơ quan này đều lần lượt từ chối, không cho phóng viên đặt lịch làm việc (?!).
Dự án đê kè “nghìn tỷ” chưa bàn giao đã… nứt toác? Tuyến đê tả sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên bị nứt toác Được biết, dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên, có tổng vốn đầu tư ban đầu (năm 2011) là 1.536.040 triệu đồng, được lấy từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, do Chi cục Quản lý đê điều (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Xuân Thành. Hiện tại, dự án vẫn chưa bàn giao, nhưng nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu bị xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể: Xuất hiện nhiều vết nứt dọc đê dài hàng trăm m kèm theo nửa mặt đê bị lún xuống từ 10 - 12 cm, hàng chục cột mốc bị đổ, gãy chân dọc tuyến… |
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nhóm PV