THCL Ngoài việc vốn bị chiếm dụng ngày càng nhiều, đầu tư kém hiệu quả, tỷ lệ gia tăng vốn thụt lùi… xảy ra tràn lan ở Tổng Công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và các công ty thành viên, Kết luận thanh tra số 402-KL-TTr ngày 14/10/2016 của Bộ Xây dựng đã yêu cầu Vicem phải thực hiện ngay một số giải pháp để tránh tồn đọng vốn đã đầu tư vào 3 dự án đầu tư dang dở…
Lễ khởi công Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (KĐT mới Cầu Giấy, Hà Nội)
Như Thương hiệu & Công luận đã thông tin, tổng số công nợ phải thu tại các công ty thành viên của Vicem phải khắc phục thu hồi bị Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng “cảnh báo” về tình trạng vốn của hàng chục thành viên bị chiếm dụng ngày càng nhiều. Trong khi đó, 10 đơn vị có tốc độ gia tăng vốn… thụt lùi.
Các số liệu cho thấy “bức tranh” không mấy sáng sủa về những tồn tại của Vicem và công ty thành viên, dự báo trước nhiều rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như bảo toàn vốn của Nhà nước. Theo số liệu thanh tra, Vicem còn vốn đầu tư tại 31 đơn vị với tổng vốn là 11.520 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2015).
Đáng nói, tại Kết luận thanh tra, Bộ Xây dựng yêu cầu Tổng công ty Vicem phải thực hiện ngay một số giải pháp để tránh tồn đọng vốn đã đầu tư vào 3 dự án. Được biết, số tiền Vicem “rót” vào các dự án này lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng tất cả vẫn còn… dở dang.
Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung tại khu công nghiệp Đông Hồi được khởi công vào tháng 4/2011, tại KCN Đông Hồi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) với công suất sản phẩm là 400.000 m3/năm, tổng dự án đầu tư là 819 tỷ đồng.
Lễ khởi công dự án gạch không nung Đông Hồi tại KCN Đông Hồi (Quỳnh Lưu, Nghệ An)
Theo giới thiệu của Vicem, dự án này được sử dụng nguồn nguyên liệu cát, xi măng, vôi tại chỗ sản xuất sản phẩm block bê tông khí… và là dự án đầu tư mới, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 được Chính phủ đã phê duyệt.
Dự án được thi công xây dựng trong 18 tháng, khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho gần 100 người lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng trăm lao động gián tiếp khác. Đóng góp vào ngân sách tỉnh Nghệ An trung bình khoảng 25,5 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, đến nay việc triển khai thi công xây dựng nhà máy này vẫn đang bị ngưng trệ…
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (KĐT mới Cầu Giấy, Hà Nội) được khởi công từ tháng 5/2011, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014 với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Dự án được xây dựng thành Trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn hạng A. Công trình có 31 tầng nổi và 4 tầng hầm; trong đó, diện tích đất được xây dựng là 8.476 m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000 m2.
Đã hơn 5 năm, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM mới hoàn thiện phần xây thô, rồi gần như ngưng tiến độ
Sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa vị thế của Tổng công ty Vicem lên tầm cao mới, góp phần tạo một trung tâm hiện đại giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau màn khởi công hoành tráng vào tháng 5/2011, đến nay đã hơn 5 năm, dự án vẫn chưa được hoàn thành. Hiện tại, dự án mới hoàn thiện phần xây thô, rồi gần như ngưng tiến độ.
Viện Công nghệ Xi măng Vicem tại ngõ 122 phố Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được ra mắt vào tháng 9/2011, tại Hà Nội. Đây là công trình thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đến năm 2020 định hướng đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tổ chức lại Trung tâm đào tạo Xi Măng và Trường Trung cấp nghề kỹ thuật xi măng.
Lễ ra mắt Viện Công nghệ Xi Măng Vicem tại ngõ 122 phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Khu tổng hợp Vicem được xây dựng 16.638 m2, diện tích sàn 152.000 m2 và tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng, với trụ sở chính của Viện là tòa nhà 3 tầng. Viện Công nghệ Xi Măng Vicem ra đời sẽ góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu xây dựng không nung.
Bên cạnh đó, sự ra đời của Viện cũng góp phần vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp một phần vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Theo đó, đối với các sự án này Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Tổng công ty Vicem phải tiếp tục thực hiện hoặc chuyển đổi Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung tại khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An); đẩy nhanh các thủ tục theo quy định để tiếp tục thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu tổng hợp số 122 Vĩnh Tuy, TP. Hà Nội; chuyển nhượng Dự án Trung tâm Điều hành và Giao dịch Vicem theo quy định khi có chấp thuận của Thủ tướng.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tuấn Ngọc